Cử tri Mỹ có “dao động” vì cuộc điều tra luận tội?
"Luận tội" - một từ chưa khi nào xuất hiện thường xuyên và trở thành "đề tài nóng" trên chính trường Mỹ như trong thời gian gần đây. Chủ đề này thậm chí còn được tranh luận sôi nổi hơn cả những vấn đề cấp thiết của đất nước như tăng trưởng kinh tế, chính sách thuế hay các vấn đề khác ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền" người Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Với mức độ quan tâm như vậy, người ta hoàn toàn có lý do để cho rằng các cuộc thảo luận về việc luận tội Tổng thống sẽ khiến nhiều người Mỹ chống lại ông Trump hơn. Tuy nhiên, thực tế là mọi chuyện không hoàn toàn diễn ra như vậy.
Ngay cả khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống bước vào giai đoạn "căng" nhất thì tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump vẫn ở mức ổn định. Thậm chí, trong đảng Cộng hòa, tỷ lệ ủng hộ ông Trump còn tăng lên mức 90%, so với con số 87% hồi tháng 10/2019.
Gần 2/3 người Mỹ khẳng định rằng họ sẽ không thay đổi quan điểm về vấn đề luận tội. Điều này tức là với những người ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết", họ sẽ tiếp tục ủng hộ ông Trump và những người bất đồng với Tổng thống sẽ tiếp tục chống lại ông.
Cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ có thể còn gây "tác dụng ngược" khi mà chỉ 40% cử tri Wisconsin ủng hộ luận tội trong khi gần như tất cả họ đều là thành viên đảng Dân chủ. Ở bang Florida, các vấn đề như kinh tế, chăm sóc sức khỏe và giáo dục mới là những ưu tiên hàng đầu của họ trong năm 2020, còn vấn đề luận tội lại xếp hạng chót chỉ với 4% cử tri cho rằng đây là một "ưu tiên hàng đầu". Tỷ lệ này cho thấy suy cho cùng những gì người Mỹ đang quan tâm là kinh tế và các chính sách công sẽ thay đổi như thế nào để cuộc sống của họ cải thiện chứ không phải một cuộc điện đàm đang khiến các đảng phải đấu đá lẫn nhau.
Tổng thống Trump và các đồng minh của ông vẫn rất tự tin trong việc đối phó với các rắc rối chính trị. Ronna McDaniel - chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa nhận định với báo giới rằng bà không hề e ngại vấn đề luận tội hay sự tổn thất của đảng Cộng hòa ở một số bang bởi các cử tri ủng hộ Tổng thống Trump vẫn rất trung thành, quá trình gây quỹ trong đảng vẫn rất mạnh và họ đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến sắp tới.
Đảng Dân chủ liệu có cơ hội “đảo ngược tình thế”?
Đảng Dân chủ đang khuyến khích nhiều ứng viên mới hơn tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng song cựu Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo rằng đảng Dân chủ sẽ "trắng tay" trong cuộc bầu cử năm 2020 nếu họ quá xa rời đường lối cảnh tả trong khi số khác lo ngại ông Trump sẽ thắng nếu đảng Dân chủ đề cử một ứng viên trung lập "an toàn" nhưng không có khả năng truyền cảm hứng. Chắc chắn là các thành viên trong đảng Dân chủ - những người vẫn chưa hết bất ngờ về chiến thắng năm 2016 của ông Trump sẽ không muốn kết quả này lặp lại một lần nữa vào năm 2020.
Simon Rosenberg, chủ tịch của NDN - một nhóm trung lập trong đảng Dân chủ khẳng định ông hiểu tại sao đảng Dân chủ lại lo lắng về cuộc bầu cử năm 2020. Đó là bởi những nguy cơ thất bại vẫn còn rất cao và họ không chắc chắn về việc ai sẽ là người đại diện đảng.
Ngoài ra, đảng Dân chủ cũng đang "đứng ngồi không yên" bởi họ sẽ phải "quyết đấu một phen" để giành lại những bang công nghiệp mà đảng Dân chủ có truyền thống chiếm ưu thế nhưng Tổng thống Trump lại bất ngờ chiến thắng năm 2016 như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Hầu hết các cuộc khảo sát đều cho thấy ông Trump đang bị dẫn trước ở các bang chiến trường này nhưng một số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đang có những tín hiệu khả quan ở Wisconsin.
Mo Elleithee - cựu phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và là người từng tham gia chiến dịch của bà Clinton năm 2016 nhận định: "Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thành viên đảng Dân chủ nào nghĩ rằng cuộc bầu cử lần này sẽ chiến thắng dễ dàng. Họ hoàn toàn hiểu rằng Tổng thống có khả năng đặc biệt để thu hút sự chú ý của truyền thông cũng như biết cách để giành chiến thắng".
Cuộc điều tra luận tội sẽ đi về đâu?
Cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ có lẽ sẽ "dọn đường" cho Hạ viện chấp nhận các điều khoản luận tội với các cáo buộc chính thức nhằm chống lại ông Trump. Điều này có thể dẫn đến một phiên tòa tại Thượng viện về việc liệu ông Trump có bị buộc tội vì những cáo buộc trên và bị buộc phải từ chức hay không. Đảng Cộng hòa do Thượng viện kiểm soát hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ ủng hộ ý tưởng phế truất ông Trump.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosiđã tuyên bố hôm 21/11 rằng, có bằng chứng rõ ràng cho thấy Tổng thống Trump đã lạm quyền để đạt được mục đích cá nhân, đồng thời cáo buộc hành động này sẽ "làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ".
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa tập trung vào luận điểm rằng không có bất kỳ nhân chứng nào trong các phiên điều trần vừa qua khẳng định Tổng thống Trump đã trực tiếp dùng khoản hỗ trợ quân sự Ukraine để gây sức ép với Tổng thống nước này nhằm điều tra đối thủ chính trị của ông - cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
"Tôi vẫn chưa hề nghe thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh được rằng Tổng thống phạm tội hối lộ hay tống tiền", nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Texas Will Hurd nhận định. Giống như hầu hết các thành viên khác trong đảng, ông Hurd tin rằng những hành động "không phù hợp" của Tổng thống Trump không đáng bị luận tội.
Đảng Dân chủ sẽ phải quyết định xem liệu có nên bắt đầu phác thảo các điều khoản luận tội dựa trên những gì đã tuyên bố về việc luận tội Tổng thống Trump liên quan cuộc điện đàm với phía Ukraine hay không, hay là sẽ tiếp tục các phiên điều trần với những nhân chứng bổ sung để có thể cung cấp các bằng chứng thuyết phục hơn về các hành động của ông Trump./.