AP dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã được thông báo rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm thấy bị áp lực từ chính quyền Tổng thống Trump phải điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí từ trước cuộc điện đàm tháng 7 dẫn tới cuộc điều tra luận tội tại Washington hiện nay.
Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2019. Ảnh: AP |
Tổng thống Zelensky tìm lời khuyên vì lo ngại “sức ép”
Đầu tháng 5, các quan chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev, trong đó có cả Đại sứ khi đó là Marie Yovanovitch, được biết rằng ông Zelensky đang tìm lời khuyên về việc làm thế nào để thoát khỏi vị trí khó khăn mà ông đang mắc kẹt, 2 nguồn tin nói với AP.
Ông Zelensky lo ngại Tổng thống Donald Trump và các trợ lý thúc ép ông phải có hành động theo hướng có thể tác động đến cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020. Hai nguồn tin của AP không tiết lộ tên tuổi do tính chất nhạy cảm về ngoại giao và chính trị của vấn đề.
Theo nguồn tin, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ở Kiev và Washington đều đã được thông báo về mối lo ngại của Tổng thống Zelensky ít nhất 3 lần. Các bản ghi chú về các mối lo ngại được lưu hành nội bộ.
Các bản báo báo và ghi chú cho thấy các quan chức Mỹ đã biết từ sớm rằng Tổng thống Ukraine Zelenky cảm thấy áp lực phải điều tra Biden, mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine sau đó đã phủ nhận điều này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Trump hồi tháng 9.
Các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội nói rằng, chính ông Zelensky đã tuyên bố ông không cảm thấy áp lực phải tiến hành điều tra, do đó, các cáo buộc của đảng Dân chủ dẫn tới các phiên điều trần luận tội Tổng thống Trump là sai lầm.
“Cả 2 Tổng thống đều nhấn mạnh không có sức ép, không có yêu cầu, không điều kiện, không tống tiền, không tham nhũng”, nghị sỹ Cộng hòa John Ratcliffe của Texas nói trong phiên điều trần công khai đầu tiên hồi tuần trước.
Các cáo buộc trọng tâm của yêu cầu luận tội là việc Trump, thông qua các đồng minh của mình, đã yêu cầu phía Ukraine tiến hành điều tra theo hướng có lợi cho ông về mặt chính trị để đổi lấy khoản viện trợ chiến lược và quân sự.
Các nhân chứng đã tiết lộ, cả trong các phiên điều trần kín và công khai, rằng các đồng minh của ông Trump đã gây sức ép để Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Biden và con trai ông Biden trong khi giữ lại khoản viện trợ quân sự.
Tháng trước, AP đưa tin về cuộc gặp ngày 7/5 giữa Tổng thống Ukraine Zelensky với 2 trợ lý hàng đầu, cũng như Andriy Kobolyev - người đứng đầu công ty khí đốt tự nhiên do nhà nước quản lý Naftogaz, và Amos Hochstein – một người Mỹ có vị trí trong ủy ban giám sát của Naftogaz. Trước cuộc gặp, Hochstein đã nói với Yovanovitch - Đại sứ Mỹ tại Ukraine khi đó, về lý do vì sao ông được gọi tới.
Văn phòng của ông Zelensky không hồi đáp đề nghị bình luận về cuộc gặp ngày 7/5.
Theo 2 nguồn thạo tin tiết lộ với AP, các bản ghi chú lưu hành nội bộ ở Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ông Zelensky đã cố che đậy mục đích cuộc gặp ngày 7/5 của ông – trong đó nói về các vấn đề chính trị với Nhà Trắng – bằng cách nói rằng, nó liên quan đến vấn đề năng lượng.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Hochstein đã thông báo riêng với 2 quan chức Đại sứ quán Mỹ, Suriya Jayanti và Joseph Pennington, về những quan ngại của ông Zelensky. Cả Jayanti và Pennington đã ghi chép lại về cuộc gặp này.
Hochstein nói với các nhân viên Đại sứ quán về mối lo ngại của ông Zelensky và sau đó trở về Wasshington để thông báo với Đại sứ Yovanovitch về cuộc gặp. Đại sứ Yovanovitch khi đó vừa mới được triệu hồi về Washington và nhận được thông báo rằng bà không còn giữ được sự tin tưởng từ Tổng thống. Bà bị bãi chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine ngày 20/5.
Jayanti, quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cũng là 1 trong 3 nhân chứng của cuộc điện đàm trong đó ông Trump đã thảo luận về mối quan tâm tới cuộc điều tra Biden với Đại sứ Mỹ tại EU, Gordon Sondland.
Cuộc điện đàm diễn ra khi Sondland đang dùng bữa trưa với 3 quan chức Đại sứ quán tại Kiev. David Holmes, cố vấn chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev, đã thông báo chí tiết cho các nhà điều tra Hạ viện những gì ông nghe được. Jayanti và nhân chứng thứ 3 - Tara Maher, vẫn chưa ra điều trần.
Amos Hochstein, một cựu nhà ngoại giao từng cố vấn cho Phó Tổng thống Biden về các vấn đề Ukraine dưới thời Tổng thống Obama, cũng chưa ra điều trần.
Tuyên bố “không bị thúc đẩy” là nhằm xoa dịu tình hình?
Các lý lẽ của đảng Cộng hòa cho rằng ông Zelensky không cảm thấy sức ép đều xuất phát từ cuộc họp báo chung ngày 25/9 của 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine, trong đó ông Zelensky có nhắc tới cuộc điện đàm hồi tháng 7 với ông Trump.
“Bạn đã biết chúng tôi có một cuộc điện đàm mà tôi nghĩ là tốt đẹp. Đó là điều bình thường. Chúng tôi đã nói về nhiều vấn đề, và tôi nghĩ bạn đã đọc nó (bản ghi cuộc điện đàm), và thấy rằng không ai thúc đẩy tôi”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Trump sau cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.
“Nói cách khác, chẳng có áp lực nào”, ông Trump lúc đó nói thêm.
Trong các phiên điều trần, đảng Dân chủ đã phản bác rằng các bình luận công khai của ông Zelensky rằng ông không cảm thấy bị sức ép là bởi ông muốn xoa dịu tình hình với Tổng thống Mỹ ngay sau khi bản ghi cuộc điện đàm được công bố.
Sự việc càng bị xé to ra thì sẽ chỉ càng làm gia tăng bất ổn giữa Ukraine với đối tác quan trọng nhất của mình. Cuộc gặp ngày 7/5 của ông Zelensky cho thấy ông đã lo ngại về sức ép của Mỹ ngay từ đầu./.
Khó bãi nhiệm Tổng thống Trump, đảng Dân chủ sẽ “hứng” thất bại?