Hôm qua (18/6) là ngày thứ 14 thời hạn cuối cùng công dân Qatar phải rời khỏi UAE, Saudi Arabia, Bahrain và ngược lại do những căng thẳng giữa hai bên.

Những căng thẳng này dù chưa có dấu hiệu leo thang thành một cuộc chiến, nhưng các bên cũng chưa chịu nhượng bộ để đối thoại giải quyết bất đồng mà cộng đồng quốc tế cho rằng đó là giải pháp duy nhất. Hai tuần khủng hoảng đã gây thiệt hại cả về kinh tế, uy tín, cũng như cuộc sống của công dân các bên liên quan.

vung_vinh_tdmu.jpg
Căng thẳng ngoại giao ở Vùng Vịnh khiến các nước trong khối GCC và Arab đều bị tổn thất ít nhiều. (Ảnh minh họa: Reuters)

Bên cạnh việc rút các nhà ngoại giao về nước, công dân của ba nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain cũng được lệnh rời khỏi Qatar trong vòng 14 ngày.

Hết ngày 18/6 (theo giờ địa phương) là thời hạn cuối cùng giành cho công dân Qatar phải rời khỏi Saudi Arabia, UAE và Bahrain. Đến thời điểm hiện tại, hơn 1 triệu công nhân từ các quốc gia Arab đang sống và làm việc tại Qatar đã được đưa ra khỏi đất nước này và ngược lại.

Các bên đều bị tổn thất

Cùng với các động thái trên, việc các nước đồng loạt đóng cửa đường hàng không, đường bộ và đường biển với Qatar gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. Tổn thất rõ nhất là hãng hàng không Qatar Airways phải hủy bỏ các chuyến bay đến hoặc đi qua không phận các quốc gia vùng Vịnh Arab, đồng thời phải đổi lịch trình bay theo cung đường vòng xa hơn, chủ yếu qua các không phận của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (hàng trăm chuyến bay mỗi ngày).

Chỉ số giá cổ phiếu chính của Qatar đã giảm hơn 7% hồi tuần trước do lo ngại về môi trường đầu tư. Trong khi đó, một số thông tin cũng cho thấy, dự trữ lương thực thiết yếu và ngoại tệ tại các ngân hàng của Qatar đang thiếu hụt dần do các biện pháp cấm vận, phong tỏa. Cuộc sống của cộng đồng người nước ngoài đang làm việc tại Qatar cũng bị ảnh hưởng và có đôi chút xáo trộn.

Theo các chuyên gia, với khoảng  335 tỉ USD trong Quỹ thịnh vượng, Qatar dường như có thể để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Là nước giàu có nhất thế giới do nguồn thu từ xuất khẩu khí hóa lỏng và thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 130.000 USD, cùng với mối quan hệ song phương và đa phương chặt chẽ, Qatar đã tạo được ảnh hưởng và có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, việc xuất khẩu khí đốt của Qatar có thể bị gián đoạn, từ đó làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Các chuyên gia nhận định, những căng thẳng hiện nay, khiến các nước trong khối GCC và Arab đều bị tổn thất ít nhiều. Nhiều ngân hàng ở khu vực có thể sẽ phải tăng chi phí đi vay nước ngoài nếu những căng thẳng ngoại giao tiếp tục.

Bên cạnh đó, cán cân thanh toán sẽ bị thâm hụt, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và cản trở đầu tư ở khu vực và Qatar nói riêng. Bởi tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Qatar năm 2016 khoảng 89 tỷ USD, trong đó các nước Arab chiếm 13,8%, khu vực GCC chiếm 11,7%. Đó là chưa kể Saudi Arabia, UAE xếp thứ nhất và thứ hai về nước xuất khẩu thực phẩm sang Qatar giá trị khoảng 310 triệu USD mỗi năm.

Triển vọng thời gian tới

Thời gian tới, các quốc gia Arab vùng Vịnh sẽ có những hành động quyết liệt hơn nhằm tiếp tục gây sức ép với Qatar. Trong ngắn hạn, rất khó để Qatar có thể từ bỏ chính sách riêng của mình, bao gồm việc ủng hộ quan điểm chống Iran của Saudi Arabia.

Trong khi đó, nếu căng thẳng kéo dài, sẽ càng gây khó khăn cho chính sách của Saudi Arabia và UAE, bởi Qatar vốn là một phần của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), là thành viên của liên minh chống khủng bố do Riyadh dẫn đầu ở khu vực. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tác động lên Qatar nhiều hơn nhằm thay đổi hoặc ít nhất thấy được sự nhượng bộ từ phía Doha.

Nếu việc buộc Qatar “quay lại” quỹ đạo trở nên khó khăn hơn, thì phương án “thay đổi thể chế” có thể sẽ là lựa chọn mà các quốc gia Arab vùng Vịnh nghĩ đến. Các biện pháp tiếp theo có thể là rút toàn bộ các khoản tiền gửi của các nước vùng Vịnh ra khỏi các ngân hàng của Qatar, hai là khóa các đường ống dẫn khí từ Qatar sang các quốc gia vùng Vịnh, ba là tác động, lôi kéo thêm các quốc gia trong và ngoài khu vực ủng hộ và cùng tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Qatar.

Mặc dù vậy, rất khó để các quốc gia như Pakistan, Ai Cập, hay Ấn Độ thể hiện lập trường ủng hộ Saudi Arabia và cô lập Qatar, bởi các quốc gia này hiện vẫn còn đang lệ thuộc nhiều vào nguồn ngoại tệ đến từ Qatar, nhất là khoản kiều hối hoặc có các hợp đồng thương mại, đầu tư.

Trong khi đó, đến nay, tuy ủng hộ các nước Arab vùng Vịnh cô lập Qatar nhưng Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào nhằm gây áp lực lên Qatar bởi quốc gia này là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Washington ở Trung Đông.

Ngoài ra, nếu căng thẳng leo thang và kéo dài sẽ tác động lớn đối với nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cuộc khủng hoảng hiện nay chưa tác động ngay đến thị trường năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ gây trở ngại cho các hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu và khí đốt của Qatar, từ đó ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, khiến giá dầu tăng theo. Được biết, hầu hết các quốc gia châu Âu là khách hàng khí đốt lớn của Qatar, cho nên bất cứ gián đoạn nào trong khẩu xuất khẩu mặt hàng này đều là vấn đề đáng lo ngại.

Dư luận khu vực và quốc tế cho rằng, giải pháp ngoại giao là con đường duy nhất mà các bên mong đợi.

Nếu chấp nhận quay lại, Qatar có thể sẽ buộc phải trục xuất ngay các nhân vật thuộc phong trào Anh em Hồi giáo và lực lượng phong trào vũ trang Hamas. Các chương trình của kênh Al Jazeera có thể sẽ phải chấp nhận dừng phát sóng các nội dung chống Arab. Bên cạnh đó, Qatar cũng sẽ phải cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ các nước Arab vùng Vịnh để đổi lại việc đòi hỏi một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ cho mình./.