LTS:
Quyết định của ông Yanukovych dù được coi là đúng đắn nhưng lại không hợp thời điểm và vô tình đẩy Ukraine vào thế chia rẽ Đông- Tây mà cao trào là việc người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.
Trong phần hai của bài viết, VOV sẽ tiếp tục phân tích những diễn biến tiếp theo bắt đầu từ việc máy bay MH17 bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine dẫn đến hệ lụy là một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga với cáo buộc Nga hậu thuẫn cho phe đối lập tại Ukraine thực hiện vụ này dù hoàn toàn không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Vụ MH17- “đốm lửa nhỏ” thổi bùng mâu thuẫn Nga- phương Tây
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị bắn hạ tại khu vực miền Đông Ukraine gần biên giới với Nga. Toàn bộ 295 người trên máy bay bị thiệt mạng.
Gần như ngay lập tức, cả phương Tây và Nga đều cáo buộc lẫn nhau đã gây ra vụ tai nạn này. Phương Tây thì cho rằng máy bay MH17 bị tên lửa SA-17 của Nga hoặc phe đối lập tại miền Đông bắn hạ.
Trong khi đó, Nga lại tuyên bố hệ thống radar của họ bắt được tín hiệu của của trạm radar Kupol điều hành hoạt động của các tên lửa BUK-M1 trong khu vực thị trấn Styla cách thành phố Donetsk 30km về phía Nam. Hệ thống này do quân đội Ukraine kiểm soát và hoàn toàn có thể bắn hạ máy bay MH17.
Về phần mình, phe đối lập thì lên tiếng khẳng định họ không thể bắn hạ máy bay MH17 vì không có được trang thiết bị tối tân để làm việc này.
Cho đến nay, dù việc hậu sự cho những người thiệt mạng trên máy bay đã hoàn tất nhưng nguyên nhân việc máy bay bị tai nạn vẫn để ngỏ và các báo cáo của nhóm điều tra do Ủy ban An toàn của Hà Lan dẫn đầu cũng chỉ đưa ra được kết luận hết sức chung chung và không quy kết trách nhiệm cho bên nào nhưng cả Mỹ và các nước châu Âu đều mặc nhiên đổ lỗi cho Nga và phe đối lập và không ngần ngại có những bước đi cứng rắn nhằm vào cả hai.
Một mặt, Mỹ và các nước châu Âu ra mặt ủng hộ chính quyền Kiev đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào phe đối lập tại miền Đông mà Kiev tuyên bố là “trấn áp những kẻ khủng bố”.
Mặt khác, NATO cũng liên tục đưa binh sĩ, máy bay và tàu chiến tới các nước thành viên hoặc đối tác tại phía Đông áp sát biên giới Nga. Điều mà NATO đã cam kết sẽ không làm khi ký hiệp ước với Nga sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Để đáp lại, Nga cũng liên tục tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine và tăng cường các máy bay do thám hoạt động dọc khu vực này.
Mặc dù nhận được rất nhiều hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, song quân Chính phủ Ukraine vẫn không đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong chiến dịch “trấn áp” của mình. Ngược lại, dù yếu thế hơn, song phe đối lập tại Donetsk và Lugansk cũng cho thấy không dễ để khuất phục họ.
Tình thế giằng co liên tục kéo dài trong nhiều tháng trời cho đến khi hai bên thống nhất ký kết lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 5/9/2014.
Tuy nhiên, việc tuân thủ lệnh ngừng bắn giữa hai bên vẫn rất mong manh và ngay trước và sau lệnh ngừng bắn, tiếng súng vẫn không hề ngưng ở cả hai phía của chiến tuyến.
Lệnh trừng phạt với Nga- không ai được lợi
Không phải chỉ đến khi quân đội Ukraine và phe đối lập bế tắc dù đã ký thông qua thỏa thuận ngừng bắn thì Mỹ và các nước châu Âu mới bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Các lệnh trừng phạt này ban đầu do Mỹ và các nước châu Âu đưa ra nhằm phản ứng với việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 mà các nước này cáo buộc là “xâm chiếm Ukraine.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các lệnh trừng phạt này mang nhiều ý nghĩa răn đe hơn là nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của Nga.
Tuy nhiên, với việc lệnh ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và phe đối lập bị phá vỡ Mỹ và các đồng minh phương Tây mới quyết tâm siết chặt lệnh trừng phạt của mình.
Cả Mỹ và các nước châu Âu đều cho rằng, đánh bằng quân sự không hiệu quả thì sẽ đánh bằng kinh tế và vũ khí kinh tế hiệu quả nhất không gì bằng từng bước áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga, đẩy Nga vào thế cô lập hoàn toàn.
Tuy nhiên, dù thống nhất trên nguyên tắc nhưng Mỹ và các nước châu Âu đã tỏ ra “đồng sàng dị mộng” trong vấn để triển khai thực hiện. Trong khi Mỹ luôn rất nhiệt tình và quyết tâm ra đòn mạnh mẽ nhằm vào các ngành kinh tế chủ lực của Nga như khí đốt và quốc phòng, các nước phương Tây lại rất chia rẻ trong việc này.
Điều này là bởi, châu Âu đang sống chủ yếu nhờ vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp qua Ukraine. Nhiều nước châu Âu lo ngại rằng, việc quá mạnh tay với Nga sẽ khiến nguồn cung khí đốt bị gián đoạn và họ không muốn trải qua một “mùa đông buốt giá” như năm 2008.
Điển hình là Đức, một quốc gia được coi là có quan hệ thân thiết với Nga. Dù không thể không cùng Mỹ và các nước châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng chính Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã không ít lần lên tiếng cho rằng Mỹ và phương Tây cần kiên nhẫn hơn với Nga và rằng các lệnh trừng phạt có thể phản tác dụng nếu dồn Nga đến cùng đường.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Dmitri Mevedev và nhiều quan chức khác của Nga cũng không ít lần lên tiếng cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tâu cũng gây tác động trở lại đối với những nước này.
Tổng thống Nga Putin còn cho rằng, các lệnh trừng phạt này có thể giúp kích thích nền kinh tế Nga tránh việc quá phụ thuộc vào khí đốt và quốc phòng và khuyến khích doanh nghiệp Nga tìm ra những hướng đi mới. Ngoài ra, để đáp trả, Nga cũng đã quyết định áp lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từ châu Âu.
Mặc dù vậy, Nga cũng đang “thấm dần” những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Với việc không bán được khí đốt và giá dầu mỏ đang xuống mức kỉ lục kéo theo đồng ruble của Nga cũng đã mất giá nhiều so với đồng USD, kinh tế Nga đang trải qua một giai đoạn hết sức ảm đạm.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu cũng không được lợi gì từ lệnh trừng phạt này. Trong khi Mỹ không bị thiệt hại quá nhiều thì Pháp và nhiều nước châu Âu đang phải giải quyết những vấn đề “khó nhằn do chính các lệnh trừng phạt này gây ra.
Pháp đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi quyết định từ chối bàn giao tàu Mistral của Pháp cho Nga đúng hẹn theo hợp đồng mà hai bên đã ký.
Việc không bàn giao tàu Mistral đã khiến Pháp “thiệt đơn thiệt kép” khi vừa phải lo đền bù giá trị đơn hàng, vừa bị mất mặt vì thất tín khi không thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang gặp khó khăn với tình hình kinh tế trong nước thì lại càng khó khăn hơn khi phải xoay xở tìm nguồn cung dầu khí cho mình. Dù giá dầu mỏ đang giảm mạnh khiến họ dễ thở hơn đôi chút nhưng không có gì đảm bảo rằng giá dầu sẽ không quay về mốc 100USD/thùng như trước đây.
Triển vọng cho tình hình Ukraine năm 2015
Trước những vấn đề khó khăn mà Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu cùng phải đối mặt trong năm 2014. Triển vọng cho tình hình Ukraine trong năm 2015 được đánh giá là khá khó dự đoán nhưng sẽ tốt đẹp hơn năm 2014.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình sẽ sáng sủa hơn trong bối cảnh cả Mỹ và châu Âu vừa ký thông qua các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nhưng các lệnh trừng phạt lần này đều “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với các lệnh trừng phạt cũ và cả Mỹ và châu Âu đều để ngỏ việc tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt để chờ thiện chí của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin dù vẫn cứng rắn tuyên bố kinh tế Nga sẽ sớm phục hồi trong 2 năm tới cũng hiểu rõ rằng điều này chỉ có thể đạt được nếu Nga có thể cùng phương Tây giải quyết được vấn đề Ukraine theo hướng mà các bên đều mong muốn./.