danh-bom-1.jpg
Hiện trường vụ đánh bom tại nhà ga xe lửa ở thành phố Volgograd (Ảnh: Reuters)
Ngày 29/12, một "góa phụ đen" đã kích nổ quả bom mang theo người tại một nhà ga xe lửa ở thành phố Volgograd của Nga khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là vụ đánh bom gây thương vong lớn nhất trong 3 năm qua bên ngoài khu vực Bắc Caucasus của Nga. Vụ tấn công xảy ra chỉ 2 tháng sau một vụ đánh bom liều chết cũng tại Volgograd, làm dấy lên nhiều lo ngại trước nguy cơ tấn công của lực lượng Hồi giáo nổi dậy trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông 2014 vào tháng 2/2014.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viếng thăm đền Yasukuni hôm 26/12 (Ảnh: Washington Post)
Quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lại rơi vào trạng thái căng thẳng mới sau chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 26/12 vừa qua.Lý giải về việc đến thăm đền Yasukuni, thủ tướng Abe cho biết ông tới đền Yasukuni “là một cam kết rằng Nhật Bản sẽ không tham gia chiến tranh nữa, và chuyến thăm không nhằm làm tổn thương người Trung Quốc hay Hàn Quốc”. Tuy nhiên, phản ứng về chuyến thăm này của ông Abe, ngày 26/12, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng, hành động của lãnh đạo Nhật Bản làm tổn thương các nạn nhân châu Á trong chiến tranh thế giới thứ hai.Giới truyền thông Trung Quốc cũng kêu gọi lãnh đạo nước này phải có biện pháp "trả đũa mạnh tay" với Nhật Bản.Ngày 28/12, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: "người dân Trung Quốc không thể bị xúc phạm”, đồng thời yêu cầu “ông Abe phải thừa nhận hành vi sai trái, sửa chữa sai lầm và có các biện pháp cụ thể để xóa bỏ những hiệu ứng nghiêm trọng từ vụ việc này”.Trong khi đó, một quan chức chính phủ Hàn Quốc ngày 29/12 cho biết, nước này đã quyết định hủy một loạt cuộc gặp quốc phòng và các chương trình trao đổi quân sự với Nhật Bản sau chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới đền thờ chiến tranh Yasukuni.
Người biểu tình phản đối Chính phủ Thái Lan tại điểm đăng ký ứng cử viên bầu cử ở Nakhon Si Thamarat ngày 28/12 (Ảnh: AFP)
Cuộc đối đầu giữa phe biểu tình và đảng cầm quyền của Thủ tướng Yingluck chưa có dấu hiệu ngã ngũ và những diễn biến gần đây cho thấy bất ổn chính trị tại nước này sẽ còn kéo dài.Ngày 28/12, những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đe dọa sẽ chiếm giữ thủ đô Bangkok ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Chiều 29/12, 5 bảo vệ của lực lượng biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng khi một quả lựu đạn tự chế do một kẻ lạ mặt ném vào khu vực lều trại của người biểu tình. Trước đó ngày 28/12, một nhóm lạ mặt đã xả súng M16 vào lực lượng biểu tình làm 1 người chết và 3 người bị thương. Vụ việc hôm nay đã nâng tổng số thương vong tại Thái Lan trong 2 tháng khủng hoảng vừa qua lên 8 người chết và hơn 500 người bị thương.Trong khi đó, những người lãnh đạo phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đã kêu gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ hành động đảo chính nào có thể xảy ra sau khi Tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết không loại trừ khả năng quân đội sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố 53 chính đảng tham gia cuộc tổng tuyển cử. Theo đó, toàn bộ 77 tỉnh tiến hành đăng ký ứng cử viên theo thể thức đơn vị bầu cử với tổng số 375 đơn vị bầu cử.
Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (Ảnh: Press TV)
Tình hình tại Ai Cập lại đang hết sức căng thẳng kể từ khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ ngày 3/7 vừa qua. Nhiều dấu hiệu cho thấy quốc gia Bắc Phi này lại càng chìm sâu vào khủng hoảng sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào một trụ sở cảnh sát ở thành phố Mansoura, bang Nile Delta, làm 16 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.Ngày 28/12, những người biểu tình ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo đã đốt 2 tòa nhà trong khuôn viên trường đại học Al Azhar ở thủ đô Cairo của Ai Cập và đụng độ với cảnh sát. Việc Chính phủ Ai Cập chính thức tuyên bố phong trào Anh em Hồi giáo của Tổng thống Morsi là một tổ chức khủng bố, đồng thời cấm mọi hoạt động của nhóm này càng làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng. Theo các nhà phân tích, Ai Cập đang đứng trước nguy cơ nội chiến.
Cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara hôm 26/12 (Ảnh: AP)
Một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 tố cáo cảnh sát nước này cản trở ông theo đuổi vụ án tham nhũng, hối lộ và rửa tiền cấp cao đang làm rúng động chính trường nước này. Cáo buộc này làm tăng thêm những con mắt dò xét của dư luận đối với chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan bất chấp nỗ lực cải tổ Nội các khẩn cấp của ông để cứu vãn uy thế cho đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền suốt 11 năm qua.Phản ứng trước những bất ổn trên chính trường, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 28/12 cáo buộc các thế lực nước ngoài và phe đối lập đứng đằng sau những bất ổn chính trị hiện nay tại nước này.Theo ông Erdogan, đây là một âm mưu hòng "bôi nhọ" hình ảnh đất nước và Chính phủ trước thềm các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3/2014.
Ngày càng có nhiều thường dân Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa do tình hình chiến sự xấu đi (Ảnh: Reuters)
Cho đến nay, bạo lực bùng phát tại Nam Sudan đã khiến hàng chục nghìn người dân đang phải lánh nạn tại các căn cứ của Liên Hợp Quốc. Cộng đồng thế giới lo ngại, quốc gia non trẻ này đang đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến sẽ phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.Ngày 25/12, Liên Hợp Quốc lên tiếng kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho Nam Sudan, đất nước vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi tuyên bố độc lập hồi giữa năm 2011.Ngày 24/12, Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép tăng thêm 5.500 binh sỹ và 400 sỹ quan cảnh sát cho Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Như vậy, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan sẽ tăng lên hơn 12.000 nhân viên, từ mức hơn 6.800 người hiện nay.Căng thẳng ở Nam Sudan bùng phát thành bạo lực hôm 15/12 trong một diễn biến mà Tổng thống Salva Kiir cho là “cuộc đảo chính” của cựu Phó Tổng thống Riek Machar bị ông cách chức hồi tháng 7. Xung đột đã xảy ra trong nội bộ Lực lượng vệ binh cộng hòa, giữa một bên là người của bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir và bên kia là những binh sỹ thuộc bộ tộc Nuer trung thành với ông Riek Machar./.