Vậy là đã tròn một năm, ngày diễn ra tấn thảm kịch Charlie Hebdo. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bạo liệt ngày 7/1/2015, sau một Noel êm đềm (2014), tại tòa soạn báo, ngay trung tâm Paris, đã cướp đi sinh mạng của 12 phóng viên, biên tập viên và chủ bút bằng nhữngloạt đạn AKác nghiệt từ 2 phần tử Hồi giáo cực đoan, khiến cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng.

hollande_hien_truong_khung_bo_charlie_hebdo_kaes.jpg
Tổng thống Pháp Francois Hollande có mặt tại hiện trường vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo đầu năm 2015. Ảnh: EPA.

Nhưng khi ấy không ai có thể hình dung đây chỉ là khúc dạo đầu của một năm bi thương. Tiếp theo Charlie Hebdo, các cuộc tấn công khủng bố đã diễn ra ngày 9/1 tại siêu thị Hyper Cacher, sát hại 4 người Do Thái. Và sau một số hoạt động nhỏ lẻ ở Lyon, Marseille, vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu Thalys 9364 từ Amsterdam tới Paris hồi tháng 8, là sự kiện kinh hoàng đêm 13/11tại Paris khiến 130 người thiệt mạng, 352 người bị thương. Riêng tại nhà hát Bataclan đã diễn ra một cuộc "tắm máu" với 89 người bị sát hại.

Thấy gì qua Charlie Hebdo và Bataclan?

Đó là những cuộc trả thù, phản ứng tiêu cực của các phần tử Hồi giáo cực đoan, thuộc các chi nhánh của al-Qaeda hoặc IS, tự cho mình là những đại diện chân chính của đạo Hồi chống lại sự phỉ báng và áp đặt của phương Tây, của thế giới Cơ đốc giáo. Pháp là mục tiêu hàng đầu, bởi Pháp là một trong những nước phương Tây đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, từ Afghanistan cho tới Iraq, Syria và Bắc Phi.

Tuy nhiên, cấp độ của những cuộc trả thù đó có khác nhau, ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu như vụ Charlie Hebdo được coi như sự răn đe những kẻ đã "dám" lấy thánh Mohamed của Hồi giáo làm hình tượng châm biếm, do một vài phần tử cực đoan thường được gọi là "những con sói đơn độc" thực hiện, thì sự kiện đêm 13/11 là loạt tấn công liên hoàn, được IS lên kế hoạch công phu, nhằm vào nhiều điểm công cộng, sát hại nhiều người, bất kể là ai, một đòn "trả đũa" việc Pháp mở chiến dịch oanh kích tại Syria.

Từ Charlie Hebdo tới Bataclan, người ta thấy rõ "con bạch tuộc" khủng bố Hồi giáo cực đoan đã luồn những chiếc vòi của nó vào trong lòng nước Pháp và châu Âu, có thể gây nên những thảm kịch ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc vào, với bất kỳ ai. Tổ chức khủng bố IS đã lợi dụng một cộng đồng Arab - Hồi giáo đông đảo tại Pháp, lợi dụng dòng người tỵ nạn từ Trung Đông tới châu Âu để thâm nhập, chuyển cuộc "thánh chiến" vào ngay trong lòng nước Pháp và châu Âu.

Nước Pháp đang phải đương đầu với "một cuộc chiến tranh" thực sự, trên 2 mặt trận: một ở lãnh địa (caliphate) của IS tại Syria và Iraq, và một vô hình, không chiến tuyến, ngay bên trong biên giới.

Cả hai mặt trận đều khó khăn và bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nếu như ở mặt trận thứ nhất, thiếu một liên minh thống nhất chống IS, chủ yếu do bất đồng quan điểm giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu trong điều kiện giải quyết vấn đề (đặc biệt là về số phận của đương kim Tổng thống Syria Al Assad), thì ở mặt trận thứ hai thể hiện sự yếu kém trong công tác tình báo và hợp tác an ninh giữa các nước. Nhìn lại sự kiện đêm 13/11, một số nhân vật có trong danh sách "đen" vẫn lọt vào Bỉ rồi sang đất Pháp an toàn để hoạt động.

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, Pháp đã gấp rút điều chỉnh các điều luật và chính sách liên quan, như kéo dài thời hạn tình trạng khẩn cấp, mở rộng quyền hạn điều tra của cơ quan an ninh. Pháp đang kêu gọi một liên minh thống nhất chống IS, trong đó, để tranh thủ Nga, Pháp không tiếp tục coi sự ra đi của Al Assad là điều kiện tiên quyết cho giải pháp vấn đề Syria; tăng cường hợp tác tình báo.

Dự thảo nghị quyết về một liên minh chống khủng bố do Pháp soạn thảo đã nhanh chóng được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. 

Sau chiến dịch ngoại giao "con thoi" của Tổng thống Pháp F. Hollande, thêm Anh, Đức vào cuộc.

Sự cố chiếc Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi như một "gáo nước lạnh" giội vào nỗ lực tạo dựng một liên minh thống nhất chống IS. Nó phơi bày hố sâu không dễ vượt qua giữa 2 liên minh do Mỹ và Nga cầm đầu trong cuộc chiến Syria, xuất phát từ sự khác biệt mang tính nguyên tắc trong giải quyết vấn đề Syria. Kẻ được hưởng lợi từ điều này chính là IS.

Charlie Hebdo-Bataclan, trang bi hùng của nước Pháp

Năm 2015 mở đầu với Charlie Hebdo và khép lại với Bataclan, một trang bi hùngcủa Paris nước Pháp. Người ta đã phải chứng kiến những cuộc tắm máu, ngay ở những nơi được coi là biểu tượng của tự do và thanh bình ở trung tâm Paris. Người ta đã phải trải qua không chỉ một, mà nhiều cơn ác mộng. Cho tới nay, đã qua một năm, nhưng thảm kịch Charlie Hebdo vẫn như vừa xảy ra, những trái tim vẫn đang thổn thức, những vết thương vẫn đang rỉ máu, nước mắt vẫn rơi. Nhưng cũng chính ở những thời khắc này, vẻ đẹp của truyền thống Pháp, tình cảm quốc tế giành cho nước Pháp thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Sau vụ Charlie Hebdo, trong giá rét, Tổng thống Hollande đã dẫn đầu dòng người diễu hành, biểu thị tình đoàn kết với các nạn nhân. Trong dòng người ấy, có đông đảo đại diện các nước và các tổ chức quốc tế tại Paris Pháp.

Tới sau sự kiện đêm 13/11, tình đoàn kết với nước Pháp lên tới đỉnh cao: Các công trình công cộng ở mọi nơi đều lấy nền ánh sáng 3 mầu xanh trắng đỏ, mầu quốc kỳ Pháp, biểu tượng của "tự do, bình đẳng, bác ái", mang dải đen. Tại tất cả các trận cầu lớn, cầu thủ và hàng vạn khán giả đều dành một phút mặc niệm các nạn nhân và hát vang bài Marseillais, quốc ca Pháp. Và cũng vậy ở các hội nghị quốc tế. Hàng vạn quả chuông ở khắp nơi đã hòa cùng tiếng ngân lĩnh xướng của dàn chuông Nhà thờ Đức bà Paris đưa linh hồn các nạn nhân lên thiên đàng....

Quảng trường Cộng hòa, gần với tòa soạn báo Charlie Hebdo và nhà hát Bataclan, bỗng trở thành một điểm hẹn tự nhiên. Tại đây, dòng người vô tận tới chân tượng đài đặt hoa, thắp nến, ảnh, kỷ vật... tưởng nhớ những người đã khuất. Tại đây, danh ca Madona đã nghẹn ngào hát khúc "Imagine" bất hủ của John Lennon, kêu gọi tranh đấu vì hòa bình, đòi công bằng cho các nạn nhân.

May mắn thoát chết, các thành viên của ban nhạc Eagles of Death Metal đã từ Mỹ quay ngay lại khóc cho những khán giả xấu số của mình.

Và đặc biệt, người ta còn thấy ở đây những cuốn sách gửi đi thông điệp về niềm tự tin, lạc quan của người dân Paris trước thực tại. Đó là cuốn "Paris là một ngày hội" của Hemingway, giải Nobel văn học cách đây hơn nửa thế kỷ, hay cuốn "Khảo luận về sự khoan dung" của Voltaire, nhà triết học Thế kỷ ánh sáng. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi đa số các nạn nhân khủng bố đã bỏ mình trong nhà hát Bataclan, nằm trên con đường mang tên Voltaire.

Ở Pháp, một cuốn sách, một bài thơ, một loài hoa... đôi khi đã trở thành biểu tượng ghi dấu một sự kiện lịch sử. Còn nhớ, ngày 11/11/2015, Chính phủ Pháp long trọng kỷ niệm 100 năm "Ngày chiến sỹ trận vong", ngày bi thương nhất trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) khi hàng ngàn lính Pháp chết vì khí độc trên cánh đồng Flandres (Bỉ). Trong buổi lễ, mọi người đều đeo trên ngực một bông Hoa cúc xanh và đọc lại bài thơ "Hoa anh túc". Đây là những loài hoa thường mọc trên mộ của các tử sỹ thời ấy và theo thời gian đã trở thành biểu tượng ghi nhớ hương hồn các liệt sỹ.

Sau các tấn thảm kịch Charlie Hebdo và Bataclan, tượng đài kỷ niệm tại quảng trường Cộng hòa, biển tưởng niệm tại các nơi liên quan, các kỷ vật...sẽ là những biểu tượng sống, viết tiếp những trang sử bi hùng của Paris./.