Lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã không thành công trong nỗ lực để trở thành Tổng thống của Myanmar. Tuy nhiên, nhận định củaNew York Timeslại cho rằng, việc không thể trở thành Tổng thống chưa chắc đã là thất bại của bà San Suu Kyi bởi bà đã chính thức trở thành “cố vấn nhà nước”, chức vụ khiến bà có quyền lực thậm chí có thể còn cao hơn Tổng thống.
Lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Myanmar Aung San Suu Kyi. (Ảnh: AP) |
Bà San Suu Kyi trở thành “cố vấn nhà nước” Myanmar
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), chính đảng cầm quyền tại Myanmar, ngày 31/3 đã đệ trình một dự luật bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi làm “cố vấn nhà nước” và đến ngày 5/4, Hạ viện Myanmar đã phê chuẩn dự luật này.
Dự luật gồm 5 chương và 8 điều, theo đó bà Aung San Suu Kyi được quyền tiếp xúc các bộ, ngành cũng như các tổ chức và cá nhân trong chính phủ để phục vụ công tác cố vấn. Bà sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội liên bang. Nhiệm kỳ của một cố vấn nhà nước đồng thời với nhiệm kỳ của Tổng thống.
Trước đó, ngày 30/3, bà San Suu Kyi đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao kiêm nhiệm ba chức Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.
Tuy nhiên, Quốc hội Myanmar ngày 5/4 đã thông qua đề nghị của Tổng thống U Htin Kyaw về thay đổi đối với 2 trong 4 chức vụ trên của bà Suu Kyi. Theo đó, ông Myo Thein Gyi giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và ông Pe Zin Tun làm Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng, Bà San Suu Kyi vẫn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống.
Ngoài ra, Hạ viện Myanmar cũng chỉ định bà San Suu Kyi làm chủ tịch Ủy ban Điều phối chung về phát triển các vấn đề của Quốc hội.
Bà San Suu Kyi trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/3. (Ảnh: Reuters) |
Tranh cãi về vai trò của bà San Suu Kyi
Động thái này của Chính phủ Myanmar ngay lập tức đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ phía các nghị sỹ do quân đội chỉ định tại Quốc hội Myanmar. Những nghị sỹ này cho rằng, việc tăng cường quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi với vai trò cố vấn đặc biệt của nhà nước sẽ là vi Hiến.
Đại tá Myint Swe, một nghị sỹ của Quân đội cho biết: “Việc đặt Tổng thống ngang hàng với cố vấn nhà nước là vi Hiến”. Trong khi đó, một nghị sỹ khác của quân đội, Đại tá Hla Win Aung cảnh báo việc này có thể "phá vỡ" cán cân quyền lực giữa cơ quan hành pháp - lập pháp - tư pháp theo Hiến định.
Đại tá Aung Thiha, nghị sỹ quân đội cho biết, ông phản đối dự luật mà ông cho là chỉ để tăng cường quyền lực cho cá nhân bà San Suu Kyi.
“Dự luật này đi ngược với thuyết phân quyền và vi phạm Hiến pháp. Mặc dù đất nước chúng tôi có hệ thống đa đảng nhưng dự luật này chỉ hướng tới nhà lãnh đạo của một đảng phái duy nhất. Nếu tiếng nói của giới quân sự không được xem xét và chấp thuận, chúng tôi sẽ phản đối điều đó”, ông Aung Thiha.
Bà San Suu Kyi Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, tướng Min Aung Hlaing sau một cuộc họp ở Quốc hội. (Ảnh: New York Times) |
Nhiều nhà quan sát nhận định, vị trí “cố vấn nhà nước” của bà San Suu Kyi chính là vị trí "cấp trên của Tổng thống”, điều này hoàn toàn đúng với tuyên bố trước đó của nữ chính khách này rằng, bà sẽ cầm quyền từ vị trí "trên cả Tổng thống”.
Với việc trở thành “cố vấn nhà nước”, bà San Suu Kyi sẽ có điều kiện để phối hợp các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan hành pháp.
Diễn biến không bất ngờ
Nhà bình luận chính trị Yan Myo Thein ở Yangon, thành phố lớn của Myanmar cho rằng: “Việc xuất hiện mâu thuẫn giữa bà Aung San Suu Kyi và quân đội không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, nhưng tôi từng hy vọng tranh cãi không nổ ra sớm như vậy”.
Theo ông Yan Myo Thein, căng thẳng giữa đảng cầm quyền và lực lượng quân đội có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự trong thời gian sắp tới.
Nhà văn Kyaw Win cũng bày tỏ sự thất vọng khi mâu thuẫn phát sinh và lo ngại rằng, điều này có thể sẽ làm chậm bước tiến trong việc giảm vai trò của quân đội trong đời sống chính trị của Myanmar.
Lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Aung San Suu Kyi rất được lòng cử tri Myanmar. (Ảnh: EPA) |
“Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục đối thoại với quân đội trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Các chính trị gia nên có chiến lược linh hoạt trong việc đối phó với quân đội vì chúng ta không thể để đất nước quay trở lại như trước đây”, ông Kyaw Win nói.
Mặc dù vậy, ông Tun Tun Hein, Chủ tịch ủy ban soạn thảo luật tại Hạ viện, thành viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lại cho rằng, không có vấn đề gì nghiêm trọng phát sinh giữa các nghị sỹ dân sự và quân sự trong Quốc hội nước này.
Ông Tun Tun Hein nói: “Tôi không thấy có vấn đề lớn giữa các nghị sỹ NLD và các nghị sỹ quân đội về dự luật bổ nhiệm cố vấn nhà nước. Đây là sự khởi đầu của nền dân chủ thực sự khi luôn tồn tại sự đồng thuận song song với bất đồng”.
Trong vài năm trở lại đây, quân đội Myanmar đã rút dần ảnh hưởng đối với chính quyền dân sự. Tuy nhiên, Hiến pháp được chính quyền quân sự soạn thảo vẫn không cho phép lãnh đạo NLD Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống Myanmar vì con bà mang quốc tịch Anh.
Dù cho Hiến pháp vẫn trao cho quân đội Myanmar 1/4 số ghế trong Quốc hội để thực hiện vai trò bảo vệ Hiến pháp, nhưng rõ ràng, bà San Suu Kyi cùng NLD đã thực hiện một chiến lược khôn ngoan, đưa “đóa hồng dân chủ lên ngôi” một cách ngoạn mục./.