Đây được coi là câu trả lời cho những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran không tôn trọng tinh thần của thỏa thuận và dọa sẽ rút khỏi văn kiện.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi một lần nữa khẳng định, chương trình tên lửa đạn đạo của nước này chỉ nhằm mục đích phòng vệ và Iran không thể đàm phán, đồng thời phủ nhận một báo cáo trước đó cùng ngày của truyền thông phương Tây cho rằng Iran để ngỏ khả năng đối thoại về chương trình hạt nhân.
Theo ông Quasemi, trong tất cả các cuộc thảo luận ngoại giao song phương, Iran đều nhấn mạnh chương trình tên lửa phòng thủ của nước này là không thể đàm phán và điều này cũng không phù hợp với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đối với Mỹ, quyết tâm này của Iran là trái với tinh thần của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 tại Vienna (Áo) giữa Iran và nhóm P5+1. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại quan điểm này: “Tôi sẽ không cho phép Iran đạt được vũ khí hạt nhân. Chính sách của Iran là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và xuất khẩu bạo lực, gây đổ máu và hỗn loạn trên khắp Trung Đông.
Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải chấm dứt những hành động này của Iran cũng như tham vọng hạt nhân của nước này. Iran đã không tôn trọng tinh thần của thỏa thuận hạt nhân”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cùng ngày dẫn lời các quan chức ngoại giao Iran và phương Tây cho rằng, trước nguy cơ Mỹ rút khỏi thỏa thuận Vienna, nước Cộng hòa Hồi giáo có thể đã liên lạc với các nước ký kết nhằm thảo luận “một số khía cạnh” của chương trình tên lửa đạn đạo.
Cụ thể, tại các cuộc gặp bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng trước, Iran đã cho biết sẵn sàng thảo luận về chương trình tên lửa nhằm giải tỏa những lo ngại.
Đáng chú ý cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp đầu tiên. Một quan chức Iran giấu tên cho biết, phía Mỹ bày tỏ lo ngại về năng lực đạn đạo của Iran và người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đã trả lời rằng, có thể thảo luận về vấn đề này.
Các nguồn tin dù không xác nhận có thảo luận vẫn đề này tại cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao Mỹ và Iran hay không song cho biết, Iran mới đây đã khẳng định, đề xuất của nước này vẫn còn giá trị.
Những thông tin này đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn chót 15/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không muốn xác nhận việc Iran tuân thủ hạt nhân lịch sử, bất chấp khuyến nghị từ một số cố vấn thân cận nhất. Thay vào đó, công việc này có thể sẽ do Quốc hội Mỹ thực hiện.
Một kịch bản như thế có thể mở đường cho sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bởi Iran cũng từng cảnh báo nước này sẽ không thực thi văn kiện nữa nếu Mỹ quyết định rút lui.
Theo các nhà phân tích, Iran sẽ không dễ dàng xuống nước, song cũng sẽ không làm cho căng thẳng bị đẩy lên quá cao. Bởi nước này biết rằng, nếu Tổng thống Donald Trump vẫn kiên quyết với lập trường hiện nay, thì Iran sẽ ở vị trí thuận lợi hơn và chắc chắn Mỹ sẽ bị cô lập trong nhóm P5+1.
Ủy ban châu Âu một lần nữa nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 vẫn đang có hiệu lực và tất cả các bên liên quan cần phải thực thi đầy đủ cam kết của mình.
Bà Catherine Ray, Người phát ngôn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu cho biết: “Chúng tôi rõ ràng đã theo sát tất cả những diễn biến liên quan thỏa thuận hạt nhân.
Đây là thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua và vẫn đang có hiệu lực, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế xác nhận. Chúng tôi mong muốn tất cả các bên tuân thủ những cam keetsw của mình và đây là lập trường của chúng tôi”.
Ngày 15/10 là hạn chót Tổng thống Donald Trump phải xác nhận Iran có đang tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hay không. Nếu ông Donald Trump từ chối xác nhận sự tuân thủ thỏa thuận của Iran, lãnh đạo Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vốn đã bị đình chỉ theo thỏa thuận./.
Vì sao Tổng thống Trump muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran?