Mỹ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền?
Mức giá mua Greenland sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ mong muốn mua hòn đảo này chừng nào và vì sao muốn mua nó. Tuy nhiên tới nay, động cơ của ông Trump vẫn chưa rõ ràng.
Các ngư dân đảo Greenland đang đánh bắt cá. Ảnh: Getty |
Nếu nhìn vào kinh nghiệm từ lịch sử, thì vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch này có giá ít nhất là 1 tỷ USD. Theo các văn bản lưu trữ quốc gia Mỹ, năm 1946, Mỹ từng đề xuất với Đan Mạch việc mua đảo Greenland với giá 100 triệu USD, trả bằng vàng. Nó tương đương với 1,3 tỷ USD ngày nay tính cả lạm phát.
Tuy nhiên ngay cả nếu “chủ đất” muốn bán, thì sự định giá đó chưa chắc đã đủ sức thuyết phục Đan Mạch hay Greenland ngồi vào bàn đàm phán với ông Trump.
Các thương vụ mua các vùng lãnh thổ khác của Mỹ cũng có thể cho ta cái nhìn về việc Mỹ sẵn sàng trả giá như thế nào đối với Greenland.
Mỹ đã từng mua vùng đất mà ngày nay họ gọi là quần đảo Virgin từ Đan Mạch năm 1917 với giá 25 triệu USD, trả bằng vàng, tương đương 500 triệu USD ngày nay. Mỹ cũng mua Alaska từ Nga năm 1867 với giá 7,2 triệu USD và toàn bộ vùng lãnh thổ Louisiana trải dài từ sông Mississippi tới dãy núi Rocky năm 1803 từ Pháp với giá 15 triệu USD.
“Mỹ mua Alaska năm 1867 với cái giá khá rẻ, chỉ tương đương 125 triệu USD ngày nay. Greenland có thể sẽ khá đắt ở thời điểm mà có rất nhiều nhu cầu khác cần đến ngân sách quốc gia”, Iwan Morgan thuộc Viện Mỹ ở London nói với CNN.
Morgan cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ còn liên quan đến các hiệp ước, quá trình pháp lý ở Đan Mạch, Greenland và Mỹ, cũng như cả Liên minh châu Âu, và ông hoài nghi về việc nó có thể được thực hiện.
“Nó không giống như việc nếu mua một sân golf thì bạn chỉ tới gặp người được ủy quyền và hỏi ‘ông có chấp nhận không?”. Ngay cả nếu có được một thỏa thuận mua Greenland về nguyên tắc, thì cái giá của nó cũng rất cao. Nếu diễn ra, nó sẽ tốn hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD”.
Mỹ hiện có 1 căn cứ quân sự nằm ở vùng cực bắc trên đảo Greenland là căn cứ không quân Thule.
Hiệu quả kinh tế tới đâu?
Nguồn tài nguyên về dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản chưa khai thác của Greenland cũng có thể là điểm hấp dẫn với ông Trump khi mà cuộc chạy đua về các nguồn tài nguyên này ở Bắc Cực đang ngày càng mãnh liệt.
Mỹ có căn cứ không quân Thule trên đảo Greenland. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên Morgan chỉ ra yếu tố khác có thể coi là động lực thực sự đằng sau mối quan tâm của ông Trump.
“Hòn đảo này có thể trở thành “món ăn bầu cử” vì đơn giản, nếu nêu vấn đề ở thời điểm này, thì ông Trump sẽ không có đủ thời gian để giải quyết xong trước cuộc chạy đua năm 2020. Nhưng nếu ông tái đắc cử, thương vụ Greenland có thể trở thành một di sản”.
Wall Street Journal, tờ báo đầu tiên đưa tin về mối quan tâm của Tổng thống Trump đối với Greenland, cũng nói rằng những người bên ngoài Nhà Trắng đã mô tả việc mua đảo Greenland giống như việc tạo dựng di sản đối với ông Trump theo cách mà Alaska đã trở thành di sản của Tổng thống Dwight Eisenhower - người sau đó đã ký tuyên bố đưa Alaska trở thành một bang của Mỹ.
WSJ cũng đưa tin, các trợ lý của ông Trump hiện đang chia rẽ về vấn đề này. Một số người đánh giá nó như một chiến lược kinh tế vững chắc trong khi một số người khác cho rằng đây chỉ là ý tưởng cao hứng nhất thời.
Mua đảo Greenland cũng chắc chắn sẽ không nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế, theo Tim Boersma, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia.
“Về khía cạnh các nguồn khoáng sản và năng lượng, Greenland là vùng đất mới chỉ được phát triển ở mức độ vừa phải và thiếu nhiều cơ sở hạ tầng cơ bản để tiếp tục triển khai các dự án mới”, Boersma nói với CNN.
“Thật khó tin rằng ông Trump thực sự quan tâm đến năng lượng và khoáng sản. Có rất ít công việc thăm dò ở Greenland. Các điều kiện cũng rất khắc nghiệt do vùng đất này hầu hết bị che phủ bởi băng tuyết”, theo Boersma.
Trong bối cảnh băng đang tan nhanh, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với chi phí quản lý hậu quả. Mua Greenland cũng đồng nghĩa với việc phải tốn thêm các chi phí xã hội. Hòn đảo có dân số 56.000 người này có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9% và nó phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn quỹ từ Đan Mạch để duy trì kinh tế và dịch vụ.
Ngành công nghiệp chính ở Greenland là đánh bắt cá, trong khi ngành khai mỏ và khai thác đá chỉ thuê trung bình 124 người/tháng, theo số liệu thống kê Greenland năm 2015./.