Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/12 tới đây. Trong bối cảnh khu vực này đang trở thành tâm điểm chú ý sau một loạt sự kiện như căng thẳng giữa Qatar với 4 thành viên của nhóm, vụ nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại hay mới nhất là việc Qatar rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC..., có thể nói các nước vùng Vịnh đang đứng trước nhiều thách thức, từ việc lấy lại uy tín, hình ảnh của một khối liên minh cho đến việc hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ.
Hội nghị Thượng đỉnh GCC năm 2017 tại Kuwait. Ảnh: AFP |
Thứ hai, dự kiến ban đầu Oman sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này, nhưng Saudi Arabia đã viện dẫn các lý do để đăng cai tổ chức cuộc họp tại trụ sở GCC ở Riyadh. Động thái bất ngờ và là lần đầu tiên này của Saudi Arabia được các nhà quan sát cho rằng có mục đích nhằm đảm bảo sự tham gia của các đại diện cấp cao các nước thành viên. Saudi Arabia cũng muốn thể hiện vai trò “anh cả” và muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng Riyadh vẫn có cơ chế tự giải quyết các tranh chấp khu vực trong khi chính quyền Donald Trump đã tìm cách triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh GCC - Mỹ trong tháng này với mục đích giải quyết vụ tẩy chay Qatar.
Thứ ba, Hội nghị lần này được hy vọng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh và các bất đồng mà nổi lên là căng thẳng giữa Qatar và bộ tứ Arab. Tuy nhiên, Saudi Arabia và UAE đã phủ đầu rằng cuộc xung đột với Qatar không phải là ưu tiên hàng đầu đối với họ. Điều đó cho thấy, các bên chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để hàn gắn những rạn nứt kéo dài 18 tháng qua.
Thứ tư, một động thái được cho là bất ngờ và chủ động xuống thang là Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul Aziz đã mời Thái tử Qatar tham dự Hội nghị hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nhưng Doha chưa công bố mức độ đại diện tại Hội nghị Thượng đỉnh. Các nhà phân tích cho rằng, có thể Thái tử Qatar sẽ tham dự nhưng nếu điều đó xảy ra thì chỉ mang tính "nghi thức". Do đó, các nhà phân tích nhận định hội nghị sẽ không tạo ra bất kỳ đột phá nào.
Vụ Khashoggi ảnh hưởng đến hình ảnh của Saudi Arabia thế nào?
Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại là một vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm. Dù nguyên nhân chính đằng sau vụ sát hại này là gì, ai là kẻ chủ mưu và toàn bộ sự thật chưa được công khai thì hình ảnh và uy tín của Saudi Arabia đã bị ảnh hưởng.
Ngay cả đồng minh của Saudi Arabia là Mỹ cũng cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm về vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi và uy tín Saudi Arabia đã mất.
Nhiều công ty lớn e dè khi tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) tại thủ đô Riyadh vừa qua. Đáng nói là vụ việc đang ảnh hưởng ghê gớm đến danh tiếng của Thái tử Mohammed bin Salman và các chuyên gia cho rằng những ngày nắm quyền của Thái tử sẽ chỉ còn đếm được "bằng đầu ngón tay" bởi Quốc vương Salman đang tìm người thay thế ông.
Ở góc độ khu vực, các nước trong khối GCC cho rằng đây là công việc nội bộ của Saudi Arabia và tôn trọng sự thật. Các nước này chỉ tuyên bố đề nghị làm rõ vụ việc và ủng hộ các bên liên quan điều tra toàn bộ sự thật.
Việc Qatar rời OPEC hàm chứa thông điệp gì?
Việc Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC trong khi chỉ còn vài ngày diễn ra Hội nghị GCC là một ẩn ý mặc dù Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al Kaabi nói rằng quyết định này không liên quan đến việc tẩy chay của bộ tứ Arab.
Trước hết, các nhà phân tích cho rằng quyết định này sẽ mang lại sự độc lập hơn đối với Qatar về sản xuất dầu và khí đốt cũng như sẽ có lợi cho nền kinh tế nước này. Là nước đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, trong đó cung cấp cho thị trường năng lượng khoảng 2% tổng sản lượng, nên việc Qatar rút sẽ ảnh hưởng đến tổ chức OPEC nhiều hơn ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ.
Điều đáng lo ngại là quyết định này có thể tạo hiệu ứng cho các nước khác rút khỏi OPEC, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab và tạo ra những xáo trộn trên thị trường dầu mỏ thế giới. Nhiều quốc gia cũng có thể rút khỏi diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt dự kiến sẽ được tổ chức tại Doha vào năm tới.
Nhưng hơn hết, quyết định này của Qatar là một thông điệp tới Saudi Arabia rằng Qatar sẽ chọn cách tốt nhất cho lợi ích của họ trong việc giảm hoặc tăng sản lượng dầu và khí đốt. Động thái này cũng được cho là có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi các nước cô lập Qatar. Đó là chưa kể Qatar có thể sẽ tuyên bố rút khỏi GCC nếu căng thẳng không được giải quyết.
Quyết định rời OPEC của Qatar được cho là cách để quốc gia này củng cố uy tín và vị thế trên bản đồ chính trị khu vực và thế giới khi Qatar đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên. Các chuyên gia cho rằng, dường như Qatar đang muốn các nước thấy vai trò của mình trong khối GCC, khối OPEC và muốn lập lại trật tự ưu tiên dựa trên lợi ích quốc gia. Điều đó khiến cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vốn đang khủng hoảng lại càng thêm bế tắc./.
Hội nghị thượng đỉnh GCC: Cơ hội để chấm dứt chia rẽ giữa các nước
Hội nghị thượng đỉnh GCC: Cơ hội để giải quyết khủng hoảng Qatar?