Các Ngoại trưởng NATO hôm nay (4/12) có cuộc họp tại Brussels, Bỉ. Hội nghị Ngoại trưởng cuối cùng trong năm của Khối liên minh quân sự này dự kiến phủ bóng bởi những căng thẳng giữa Nga và Ukraine và số phận Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF). Hội nghị là phép thử trong mối quan hệ giữa Nga và NATO trước những thách thức an ninh mới.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO |
Căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25/11. Sau đó, Ukraine đã áp đặt thiết quân luật trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60. Trước Hội nghị ngày 4/12, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết đã có thảo luận với Tổng thống Ukraine Porosenco và nhận được đảm bảo từ phía Tổng thống Ukraine rằng việc áp đặt thiết quân luật sẽ không ảnh hưởng đến các thể chế dân chủ của Ukraine cũng như sẽ không tạo ra bất cứ vấn đề gì cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine sắp tới. Tổng thư kí NATO cũng yêu cầu Nga cần phải thả các thủy thủ Ukraine và tàu hải quân bị bắt giữ. Phát biểu trước thềm Hội nghị, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg khẳng định:
“Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo sự tiếp cận hoàn toàn đối với các cảng của Ukraine và cho phép tự do hàng hải đối với Ukraine trên biển Azov và eo biển Kerch. Không có gì bào chữa cho việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại các tàu và lực lượng Ukraine. Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức các tàu và thủy thủ bị bắt giữ. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh”
Một trong những mối lo ngại khác được thảo luận tại Hội nghị lần này đó là Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, khi Tổng thống Mỹ mới đây cảnh báo rút khỏi Hiệp ước này với cáo buộc Nga vi phạm. Các quan chức Mỹ dự kiến tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh tại Hội nghị, gia tăng sức ép với Nga đối với những cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF.
Có thể nói Hội nghị Ngoại trưởng NATO lần này là phép thử mối quan hệ giữa liên minh quân sự này với Nga trước những thách thức an ninh mới nổi lên. Tuy nhiên đúng như Tổng thư kí NATO nhận định, mối quan hệ giữa Nga và NATO đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn cần tiếp tục đối thoại.
Mặc dù luôn lên tiếng ủng hộ Ukraine nhưng cũng khó có khả năng NATO sẽ đưa ra các hành động mới nhằm vào Nga liên quan đến những căng thẳng trên biển gần đây. Trước yêu cầu của Tổng thống Ukraine đưa tàu NATO đến biển Azov, Tổng thư kí NATO từ chối đưa ra các biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn đối với Ukraine, với lý do khối này đã tăng cường sự hiện diện đáng kể tại Biển Đen và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Còn đối với Hiệp ước INF, NATO cho rằng Nga cần phải đưa ra các bước đi ngay lập tức để đảm bảo sự ủng hộ hoàn toàn với Hiệp ước INF một cách minh bạch. Tuy nhiên, NATO vẫn lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho một Hiệp ước giúp cho thế giới an toàn hơn. Khẳng định về mối quan hệ với Nga, Tổng thư kí Stoltenberg khẳng định, nếu không thể tin tưởng vào việc cải thiện quan hệ với Nga trong tương lai gần thì cần tiếp tục các cuộc đối thoại chính trị với Nga để kiểm soát mối quan hệ khó khăn này.
Bên cạnh 2 thách thức an ninh chính, Ngoại trưởng các nước NATO cũng sẽ thảo luận các mối lo ngại an ninh khác như bạo lực cực đoan tại Trung Đông và Bắc Phi, sự bất ổn tại Afghanistan. Ngoại trưởng các nước cũng sẽ tổ chức một cuộc gặp thảo luận tình hình khu vực Tây Balkan với sự tham gia của Đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini./.
Ukraine kêu gọi NATO điều tàu đến Biển Azov
Mỹ xoa dịu lo ngại của các đồng minh NATO về quyết định rút khỏi INF