Ngày 21/8 vừa qua, phe đối lập cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, khiến hơn 1.300 dân thường thiệt mạng tại các vùng ngoại ô của thủ đô Damascus. Tuy nhiên, chính phủ Syria đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn vô căn cứ, nhằm làm chệch hướng chú ý của các thanh sát viên LHQ.

nan-nhan-vu-khi-hoa-hoc.jpg
Cấp cứu bệnh nhân là nạn nhân của một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học (Ảnh: AFP)

Vội vàng và thái quá

Trong khi một phái đoàn gồm 10 chuyên gia của LHQ đang rời thủ đô Damascus của Syria để tới thanh sát các địa điểm được báo cáo là có sử dụng vũ khí hóa học và bà Maria Cristina Perceval, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, LHQ, khẳng định “cần làm rõ những gì đã xảy ra” tại Syria và tiến hành một cuộc điều tra “thấu đáo, công bằng và cấp bách”, thì một số nước lại phản ứng một cách vội vàng và thái quá.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu tuyên bố cứng rắn rằng, toàn bộ “giới hạn đỏ” ở Syria đều bị vượt qua, đồng thời chỉ trích LHQ chưa có hành động gì sau khi phe đối lập cáo buộc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Ông Davutoglu còn kêu gọi phải đưa ra hình phạt bổ sung đối với chính quyền Syria ngay lập tức để bảo đảm tác động răn đe đối với hành động không thể chấp nhận này.

Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour cũng tuyên bố nước này đã sẵn sàng trước nguy cơ nổ ra chiến tranh hóa học, và ông yêu cầu Mỹ cung cấp máy bay do thám không người lái để hỗ trợ nước này ngăn cuộc xung đột Syria cũng như bảo vệ trại tị nạn Zaatari với hơn 165.000 người Syria.

Trong một cuộc họp khẩn cấp ở Moscow, Ngoại trưởng Nga bày tỏ lo ngại khi Mỹ, Anh và nhiều nước khác đang tập trung lực lượng chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh: RIA)

Còn Bộ Ngoại giao Anh lại khẳng định, London sẽ không loại trừ bất kỳ một phương án hành động nào để cứu sinh mạng thường dân tại Syria.

Ông Laurent Fabius,Bộ trưởng Ngoại giao Pháp tuy thận trọng hơn nhưng cũng cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải sử dụng vũ lực, và ông nhấn mạnh, nếu Hội đồng Bảo an LHQ không thể đưa ra quyết định, thì một bên nào đó sẽ buộc phải hành động “theo cách khác”.

Còn Tổng thống Mỹ Obama trong khi tuyên bố đang cân nhắc thận trọng các chọn lựa về Syria thì giới quân sự Mỹ đã di chuyển tàu chiến ở Địa Trung Hải đến gần Syria.

“Thấu đáo, công bằng và cấp bách”

Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra “thấu đáo, công bằng và cấp bách”. Đó là yêu cầu có tính nguyên tắc mà tổ chức này phải tuân theo để tránh phạm phải sai lầm như các cuộc chiến tranh trước đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các nước lớn cần phải có trách nhiệm để không bị sa vào hành vi “khiêu khích” và “đầu cơ”.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich, Nga nhận thấy phe nổi dậy đã có “hành động khiêu khích” bằng việc đưa ra những thông tin mang tính “đầu cơ” về bên sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Syria. Và Nga sẽ đưa ra lập trường của mình dựa trên kết quả điều tra khách quan và độc lập của phái bộ LHQ tại Syria.

Giới phân tích đang quan ngại sâu sắc về việc đánh giá thiên vị và cực đoan của một số nước phương Tây, vì họ luôn đặt vấn đề thanh sát đối với chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, còn phe đối lập thì hình như không phải là đối tượng.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc tố cáo Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường dẫn đến những điều vô lý, thiếu tính thuyết phục: (1) Trong khi lực lượng chính phủ Syria vẫn ở thế làm chủ chiến trường; (2) Quân nội dậy đang bị vây hãm và bị đánh bật khỏi nhiều địa bàn chiến lược quan trọng và phải tháo chạy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; (3) Và Damascus đã từng tuyên bố “không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học đối với dân tộc mình”.

Vì thế, nếu có việc sử dụng vũ khí hóa học tại các khu vực giao chiến thì nhiều khả năng là do lực lượng nổi dậy, điều này phía chính phủ Syria tuyên bố đã có bằng chứng, vì phe đối lập đang bị thất thế, muốn tạo cớ để kích động các lực lượng cực đoan ủng hộ họ bằng các biện pháp quân sự để mong lật ngược thế cờ và thực hiện tham vọng của các thế lực hậu thuẫn cho phe đối lập.

Xe của thanh sát viên Liên Hợp Quốc bên ngoài một khách sạn ở Damascus ngày 26/8 sau chuyến thực địa ở Mouadamiya trở về (Ảnh: Press TV)

Sự lựa chọn sáng suốt

Được biết ngày 19/8, các quan chức Nga và Mỹ đã nhất trí với nhau rằng các nhà ngoại giao hai nước sẽ gặp nhau tại La Hay (Hà Lan) vào tuần tới để thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị hòa bình về Syria (Geneva 2) vốn đã bị trì hoãn trong một thời gian khá dài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Gennady Gatilov đã phát biểu với hãng tin Interfax rằng: “Cuộc gặp sẽ diễn ra vào giữa tuần tới ở La Hay”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết cuộc gặp sắp tới là kết quả đạt được trong các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước hôm 9/8 vừa qua.

Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề đối ngoại Wendy Sherman và Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford sẽ tham gia cuộc gặp trên. Interfax  còn cho hay Đặc phái viên của Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi cũng sẽ có mặt trong cuộc gặp nêu trên.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, thì Hội nghị Geneva 2 là sự lựa chọn sáng suốt cho cả các bên tham chiến và các nước lớn cần phải đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ như chiến tranh Cosovo, Iraq...

Theo đó, các bên ở Syria (bao gồm cả chính phủ Bashar al-Assad, phe đối lập), cùng các nước trong khu vực cũng như quốc tế cần bàn thảo và đề ra các giải pháp hòa bình cho Syria. Trước hết là ngừng bắn dưới sự giám sát của Liên đoàn Arab, hoặc một tổ chức do LHQ chỉ định; tiếp đó là các cuộc đối thoại dân tộc gồm tất cả đại diện các phe phái, tôn giáo chính đảng và chính phủ Syria nhằm tìm ra những thỏa hiệp chính trị cho đất nước đã chịu nhiều đau khổ, mất mát trong hơn hai năm rưỡi vừa qua.

Vì thế, dư luận cho rằng, Hội nghị Geneva 2 do Nga và Mỹ cùng đề xuất hồi tháng 5 vừa qua là giải pháp sáng suốt và tối ưu trong tình hình hiện nay để mang lại hòa bình cho nhân dân Syria./.