Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels cuối tuần qua không phải là để đưa ra các chiến lược mới mà là để củng cố sự đoàn kết và khẳng định lại một cách chắc chắn rằng Liên minh châu Âu sẽ đối mặt với các cuộc đàm phán về Brexit như một khối thống nhất và đoàn kết. Điều này đã đạt được và thực tế thì cho đến nay, rất nhiều người đã ngạc nhiên về sự đoàn kết hiếm có giữa 27 nước EU trong vấn đề này.
Ảnh minh họa.
Các ưu tiên đàm phán của EU
Về các ưu tiên đàm phán thì EU sẽ tập trung vào 2 điểm chính đã được nói đến nhiều trong thời gian qua. Thứ nhất, là số phận của khoảng hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống và làm việc tại Anh.
Cũng giống như phía Anh, phía EU coi việc giải quyết các quyền lợi cho số công dân này là ưu tiên số 1 trước mắt. EU muốn nước Anh phải đảm bảo các quyền lợi về cư trú, về an sinh xã hội và về chế độ hưu trí cho những người này, ví dụ như phải cho phép những công dân đã ở Anh trên 5 năm được phép tiếp tục ở lại định cư lâu dài…
Đây là chủ đề rất quan trọng với nhiều thành viên EU, chẳng hạn như Ba Lan, nước có tới hơn 800 ngàn kiều dân sinh sống ở Anh. Ngược lại, phía Anh cũng muốn đảm bảo quyền lợi cho hơn 300 ngàn công dân nước mình đang sinh sống và làm việc tại châu Âu.
Ưu tiên thứ hai của EU là giải quyết dứt điểm quá khứ, rồi mới bàn đến tương lai, cụ thể là muốn nước Anh thanh toán hết các nghĩa vụ tài chính với EU. Đây là chủ đề cực kỳ phức tạp và nhạy cảm bởi theo tính toán từ phía EU, hóa đơn mà Anh phải thanh toán là rất lớn, từ 50 đến 60 tỷ euro.
Có thể nói, trong rất nhiều chủ đề mà các cuộc đàm phán Brexit sẽ động đến thì đây là 2 chủ đề ưu tiên đầu tiên từ cả hai phía, nhất là từ phía Liên minh châu Âu.
Brexit là một “bi kịch” nhưng EU sẽ không vì thế mà rơi lệ
Không bàn về tương lai nếu chưa giải quyết xong quá khứ
Thái độ kiên quyết nhất của EU nằm ở chỗ, tất cả các lãnh đạo của Liên minh đều tuyên bố sẽ không có chuyện bàn về mối quan hệ tương lai với nước Anh nếu chưa giải quyết xong các vấn đề của quá khứ. Đây chính là điểm cứng rắn nhất từ phía EU.
Như nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố thì ‘nước Anh không nên ảo tưởng’ là Brexit sẽ dễ dàng, và sẽ không có gì là miễn phí cho nước Anh. Như nhận định của giới phân tích thì thái độ này là minh chứng cho thấy EU muốn nước Anh thiệt hại nặng nhất vì Brexit, coi như một sự trừng phạt, để qua đó răn đe các thành viên khác có ý định ly khai và ngăn chặn hiệu ứng domino.
Cơ sở để EU có thể áp đặt yêu sách này lên phía Anh nằm ở chỗ nước Anh đã ký rất nhiều cam kết với Liên minh khi còn là thành viên. Ví dụ, nước Anh đã ký cam kết đóng góp tài chính trong giai đoạn 2013-2020 nên hiện tại EU muốn Anh thanh toán cả nghĩa vụ tài chính cho đến tận 2020 dù theo dự kiến của chính phủ Anh thì nước này và EU sẽ hoàn tất đàm phán Brexit chậm nhất là vào tháng 3/2019.
Ngoài ra, một vũ khí khác mà phía EU có thể sử dụng để ép nước Anh là chuyện thị trường chung, theo đó nước Anh chắc chắn phải có những nhượng bộ nếu muốn được hưởng một cách tối đa những quyền lợi tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu này.
Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria
Thà không đạt được gì còn hơn một thỏa thuận tồi
Ngay trong tuyên bố trước thời điểm khởi động Brexit vào cuối tháng 3 thì bà Theresa May đã từng nói rằng ‘nước Anh thà không đạt được thỏa thuận nào với EU còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi’, tức là chính phủ của bà May đã tính đến phương án ‘Brexit cứng’, là sự chia tay hoàn toàn với Liên minh châu Âu.
Bà May cũng chỉ trích và cáo buộc các nước châu Âu đang liên kết chống lại nước Anh và các cuộc đàm phán Brexit chắc chắn sẽ rất khó khăn. Rõ ràng là khi đối mặt với sự cứng rắn từ phía EU thì phía chính phủ Anh cũng khó có thể chọn giải pháp mềm mỏng bởi như thế sẽ nhanh chóng bị áp đảo trong đàm phán.
Trên thực tế thì dù đa số các chuyên gia nhận định nước Anh sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn EU trong Brexit nhưng không có nghĩa là nước Anh không có các vũ khí để buộc EU nhượng bộ.
Một trong những vũ khí lớn nhất của chính phủ Anh là vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của London. Nhiều chính trị gia Anh đã công khai đe dọa EU là nếu EU cố tình trừng phạt nước Anh vì Brexit thì nước Anh có thể biến London thành một thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu, và khi đó chắc chắn châu Âu sẽ thiệt hại nặng.
Nhìn chung, sự cứng rắn của các bên sẽ không thể sớm biến mất và hai bên sẽ có những cuộc đàm phán rất phức tạp và căng thẳng trong thời gian tới.
Một sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ giữa Anh và EU sẽ có hại lớn cho cả hai bên, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Thực tế thì các nhà kinh tế cũng chưa thể định lượng được nước Anh và EU sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu đàm phán Brexit không mang lại kết quả nào nhưng so về quy mô nền kinh tế thì có lẽ về lâu dài, nước Anh sẽ thiệt hại nhiều hơn. Nhưng trong trường hợp đó, nước Anh cũng sẽ không chấp nhận thua thiệt một mình mà sẽ kéo theo cả châu Âu phải thiệt hại theo./.
Hậu Brexit: Nam Âu muốn có tiếng nói trọng lượng hơn trong EU