Trong khi đó, các bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đóng vai trò trung gian nhằm ổn định tình hình tại Ukraine sau vụ việc được cho là đẫm máu nhất tại nước này.

Đàm phán bế tắc

Theo Reuters, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp và Ba Lan đã trải qua một đêm đàm phán khó khăn với Tổng thống Ukraine và phe đối lập. Họ đều mong muốn Ukraine sớm thành lập một Chính phủ mới và tiến hành một cuộc bầu cử sớm.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng cho đến nay cả hai bên vẫn chưa đạt được sự thống nhất về một lộ trình được cho là sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

mass_copy.jpg
Cảnh sát và người biểu tình vẫn giằng co tại Quảng trường Độc lập (Ảnh Reuters)

“Hiện tại vẫn chưa có một thỏa thuận nào được đưa ra. Các cuộc đàm phán đang rất khó khăn và chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukaine”, ông Fabius cho biết.

Cả 3 Ngoại trưởng của EU đã quyết định kéo dài thời gian ở lại Kiev đến ngày hôm nay (21/2) sau khi bắt đầu đàm phán với Chính phủ và phe đối lập nước này từ sáng 20/1.

“Chúng tôi sẽ phải tìm mọi cách nhằm giúp thành lập một Chính phủ mới tại Ukaine. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nghĩ đến các cuộc bầu cử và xem xét việc làm thế nào để có thể chấm dứt bạo lực tại đây. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn không tìm ra được một giải pháp nào”, ông Fabius nói.

3 Ngoại trưởng của EU đã gặp gỡ với ông Yanukovich và phe đối lập sau khi các đồng nghiệp của họ tại Brussels thảo luận về lệnh trừng phạt đối với Ukraine. Ngoại trưởng các nước EU cũng đe dọa sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt nếu nhà chức trách Ukraine không thể ổn định được tình hình.

Lãnh đạo phe đối lập Vitaly Klitschko cho biết ông  hy vọng rằng các bên có thể đạt đượt một thỏa thuận vào đêm 20 rạng sáng 21/2 nhưng cho đến giờ vẫn chưa hề có được một kết quả cụ thể nào.

Trong một nỗ lực ngoại giao khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel và bà Merkel sau đó cũng đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp trung gian nhằm kết thúc đổ máu tại Ukraine cũng như việc cần thiết phải tiến hành các biện pháp khẩn cấp để ổn định tình hình cũng như trấn áp những kẻ khủng bố và quá khích.

Ông Putin cũng chia sẻ quan điểm với ông Yanukovich rằng Tổng thống Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị đảo chính.

Trong khi đó, ông Obama và bà Merkel đã thống nhất rằng việc Mỹ và các nhà lãnh đạo EU cần phải “sát cánh với nhau trước khi đưa ra các biện pháp nhằm kết thúc bạo lực và tìm ra một giải pháp chính trị phù hợp nhất đối với lợi ích của người dân Ukraine”. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Donald Tusk cho biết ông Yanukovich đã sẵn sàng cho việc sớm tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Yanukovich vẫn đang cân nhắc việc sẽ bầu cử Tổng thống trước thời hạn trong bối cảnh ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình trong năm tới.

Bạo lực vẫn tiếp diễn

Trong khi đó, sáng 21/2 những người biểu tình vẫn tiếp tục ném bom xăng và gạch đá nhằm đẩy lùi lực lượng an ninh Ukraine ra khỏi Quảng trường độc lập.

Bộ Y tế Ukraine cho biết đã có 75 người thiệt mạng kể từ ngày 18/2. Đồng nghĩa với việc cho đến nay đã có ít nhất 47 người chết kể từ chiều 20/2.

Tại Kiev, những người biểu tình trên Quảng trường Độc Lập đã tổ chức lễ cầu nguyện vào đêm 20/2 cho những người thiệt mạng trong vụ đụng độ trên.
Người biểu tình cầu nguyện cho những người thiệt mạng (Ảnh Reuters)

Trong khi các nhân viên y tế chuyển thi thể của những người thiệt mạng ra ngoài, những người biểu tình xếp thành hàng dài hai bên và hô vang “Anh hùng, anh hùng”!

Tuy nhiên, rất nhiều người Ukraine lo ngại rằng cuộc bạo loạn trên có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát nhất là trong bối cảnh người biểu tình đang nhận được sự ủng hộ của những phần tử nổi dậy được vũ trang đầy đủ đến từ các nhóm cực hữu quá khích.

"Đây là một cuộc huynh đệ tương tàn”, bà Iryna, một phụ nữ đến Quảng trường Độc lập ủng hộ xi lanh để truyền máu nói: “Chúng ta cần phải nhận thức rằng chúng ta là con em một nhà”.

Trong khi đó, người dân đã lấy sạch tiền từ những máy ATM và lương thực từ nhiều cửa hàng trên các đường phố tại thủ đô Kiev để đề phòng bất trắc.

Chính phủ Ukraine chia rẽ

Tổng thống Yanukovich đang mất dần sự ủng hộ tại Kiev khi mà nhiều quan chứ tại thủ đô do chính ông chỉ định đã quyết định rời khỏi Đảng cầm quyền để phản đối việc đổ máu.

Quốc hội Ukraine vào tối 20/2 cũng đa ra một nghị quyết yêu cầu chính quyền ngừng bắn và rút lực lượng cảnh sát ra khỏi trung tâm thủ đô Kiev và chấm dứt mọi hành động chống lại người biểu tình.

Tuy nhiên những người trung thành với ông Yanukovich vẫn tỏ ra rất cứng rắn.

Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko, tuyên bố rằng cảnh sát Ukraine đã được cung cấp các loại vũ khí chiến đấu và sẽ sử dụng chúng theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ bản thân và giải thoát cho 67 đồng nghiệp đang bị người biểu tình giam giữ./.