Truyền thông châu Âu ngày 24/7 đưa tin Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Trong đó, nhà lãnh đạo EC nhấn mạnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU”. Vậy các quan ngại của EU là gì? Liệu những xung đột về lợi ích với Mỹ trong quan hệ 3 bên này có khiến Mỹ - EU rơi vào khủng hoảng?
Châu Âu lo ngại Mỹ gây tổn hại lợi ích khối
Trong tuyên bố của mình Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean Claude Juncker không nêu cụ thể quan ngại của phía châu Âu là gì nhưng tất cả giới quan sát đều biết, lo ngại lớn nhất từ phía châu Âu đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp dụng với Nga là liên quan đến các dự án hợp tác năng lượng của Liên minh châu Âu với Nga, đặc biệt là dự án xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2”. Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía châu Âu và Nga và có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro, trong đó tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga đóng góp một nửa, còn một nửa còn lại do 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie của Pháp, Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức và OMV của Áo đóng góp.
Về tầm quan trọng của dự án này, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ và Nga sáp nhập Crrimea vào đầu năm 2014, Liên minh châu Âu đã đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế rất nặng nề nhằm vào Nga, nhưng riêng dự án hợp tác xây dựng đường dẫn khí gaa “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn không bị ảnh hưởng. Lí do là vì dự án này quá quan trọng với cả hai phía Nga và châu Âu, đặc biệt là với nước Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu. Dự án này khi hoàn tất vào năm 2019 sẽ cung cấp 55 tỷ mét khối khí hàng năm cho châu Âu, tức chiếm hơn 1 nửa nhu cầu của nước Đức. Vì lí do đó, kể cả trong những thời điểm quan hệ Nga-Liên minh châu Âu xuống thấp nhất trong vài năm qua, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn không bị ảnh hưởng.
Nhưng, với việc Quốc hội Mỹ sắp thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có việc trừng phạt cả các công ty châu Âu hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, thì rõ ràng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” mà châu Âu rất coi trọng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là quan trọng nhất, một số dự án năng lượng khác liên quan đến Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng, như dự án đường ống dẫn khí “Hành lang phía Nam” từ biển Caspian đến châu Âu.
Đó là lí do chính mà phía châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng phản đối việc chính quyền Mỹ của ông Donald Trump cũng như Quốc hội Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt Nga mà không có sự tham khảo ý kiến từ phía châu Âu. Nói cách khác, chúng ta cần hiểu rằng, Liên minh châu Âu hiện đang phản đối Mỹ không phải là vì bảo vệ Nga mà là để bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình. Tất nhiên, dưới ngôn từ ngoại giao thì Liên minh châu Âu sẽ đưa ra tấm bình phong là sự đoàn kết trong G7 hay lợi ích của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, để phản đối động thái được cho là đơn phương, không tính đến lợi ích của châu Âu, từ phía Mỹ.
Công cụ tự vệ của EU trước động thái của Mỹ
Nếu các phản đối từ phía châu Âu không khiến chính quyền và Quốc hội Mỹ thay đổi các lệnh trừng phạt Nga thì Liên minh châu Âu có thể sử dụng các biện pháp tự vệ và đáp trả sau đây đối với Mỹ. Đầu tiên, Liên minh châu Âu có thể tìm kiếm một sự trợ giúp từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tức là một tuyên bố công khai rằng các quyết định tuỳ ý này từ phía Mỹ sẽ không được sử dụng để chống lại các công ty châu Âu.
Đây là điều mà cựu Tổng thống Mỹ, Barack Obama từng làm năm 2014 và khả năng chính quyền của ông Donald Trump làm điều tương tự là vẫn có, dù rất thấp.
Lí do là vì theo các nhà phân tích, các quyết định trừng phạt Nga hiện nay từ phía Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi 2 viện của Quốc hội Mỹ hơn là từ phía ông Trump, do các nghị sĩ Mỹ muốn mạnh tay trừng phạt Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm ngoái.
Nga-EU vẫn chưa vượt qua được bất đồng về Ukraine và Syria
Khả năng thứ hai mà Liên minh châu Âu có thể áp dụng, đó là sử dụng “cơ chế phong toả”, tức là điều 2271/96 trong Luật định của Hội đồng châu Âu về việc bảo vệ lợi ích của châu Âu trước quyết định pháp lý do một nước thứ 3 đưa ra mà lại áp dụng bên ngoài lãnh thổ nước này. Tức là, Liên minh châu Âu có thể dùng cơ chế phong toả này để không thực thi các quyết định từ phía Mỹ. Tất nhiên, khi đó sẽ nảy sinh các mâu thuẫn pháp lý với phía Mỹ.
Biện pháp thứ 3 mà Liên minh châu Âu có thể sử dụng, đó là kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới để tổ chức này ra phán xử hoặc cho phép châu Âu áp dụng các biện pháp trả đũa.
Dư luận khu vực
Kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và châu Âu đã có rất nhiều sóng gió. Hai bên thậm chí có những vấn đề đối đầu nhau, như trong chính sách tự do thương mại. Cách tiếp cận của hai bên với các vấn đề song phương và toàn cầu cũng khác nhau, một bên là chính quyền của ông Donald Trump luôn giơ cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và một bên là châu Âu muốn đẩy mạnh thương mại quốc tế và toàn cầu hoá.
Điều này cũng thể hiện tương đối rõ trong căng thẳng lần này, khi các quyết định từ phía Mỹ không chỉ đe doạ lợi ích các công ty châu Âu mà còn xuất phát từ một thâm ý rất rõ là muốn gạt bỏ các đối thủ trong lĩnh vực năng lượng nhằm lấy chỗ cho các công ty Mỹ.
Cụ thể ở đây là việc Mỹ muốn thay thế Gazprom của Nga để cung cấp cho châu Âu nguồn khí sản xuất từ than đá hoá lỏng của Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu lại không mặn mà với giải pháp này và muốn có một chính sách năng lượng độc lập với Mỹ. Ngoại trưởng Đức, Sigmar Gabriel từng tuyên bố thẳng rằng “chuyện cung cấp năng lượng cho châu Âu là việc của châu Âu, không phải việc của Mỹ”.
Nguyên do, là ngoài vấn đề giá cả còn là vì Nga có trữ lượng khí gaz cao nhất thế giới và là nhà cung cấp chiến lược lâu dài với châu Âu, chiếm đến 1/3 nhu cầu của khu vực này.
Vì thế, có thể thấy là, trong thời điểm hiện tại, các bất đồng giữa Mỹ và châu Âu đang ngày có xu hướng phức tạp, không chỉ thể hiện ở lời nói mà bắt đầu thể hiện ở cả các hành động có tính xâm hại đến lợi ích của nhau.
Ảnh hưởng đối với lệnh cấm vận của EU
Việc Liên minh châu Âu xung đột với Mỹ hiện nay quanh việc trừng phạt Nga, không phải xuất phát từ việc Liên minh châu Âu bảo vệ Nga, thậm chí cũng không phải là vì mức độ trừng phạt Nga nặng hay nhẹ mà chỉ là vì các quyết định từ phía Mỹ đe doạ lợi ích của các công ty năng lượng châu Âu. Vì thế, trong ngắn hạn thì khác biệt này ảnh hưởng không nhiều đến các biện pháp cấm vận mà Liên minh châu Âu đang áp đặt với Nga.
Trên thực tế thì từ hôm 28/6, châu Âu đã quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng, tức là châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga từ trước khi chính quyền Mỹ bàn thảo các lệnh trừng phạt mới với Moscow như hiện nay.
Có một thực tế mà các đa số các nhà quan sát chính trị châu Âu đồng tình, đó là trong 3 năm qua, Liên minh châu Âu thể hiện một thái độ cứng rắn và có các quyết định trừng phạt Nga mạnh hơn so với Mỹ. Đó là điều tương đối ngạc nhiên trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cũng được xem là hợp lý về lâu dài bởi châu Âu dù sao cũng là nơi chịu những tác động trực tiếp về địa chính trị cũng như môi trường an ninh trong quan hệ với Nga, trong khi nước Mỹ thì ngay từ thời cựu Tổng thống Barack Obama đã có ý đứng sau và đẩy châu Âu ra gánh vác trách nhiệm.
Dĩ nhiên, việc châu Âu căng thẳng với Nga sẽ không thể kéo dài mãi mãi và thái độ của chính quyền mới tại Mỹ trong quan hệ với Nga có thể sẽ khiến nhiều quốc gia thành viên EU nhìn nhận lại ưu tiên chính sách đối ngoại của mình trong thời gian tới, để không phải lâm vào thế bị động một khi Mỹ và Nga cải thiện quan hệ giữa hai nước./.
Ông Donald Trump sẽ rất khó xử với quyết định trừng phạt Nga