Ngày 1/12 Hãng KCNA dẫn thông báo của Ủy ban Công nghệ không gian Triều Tiên cho biết kế hoạch phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình, nhằm khắc phục sai sót sau thất bại hồi tháng Tư. Dư luận quốc tế đang đặt câu hỏi: Triều Tiên phóng tên lửa có mang theo vệ tinh vào tháng 12 này nhằm mục đích gì?

Theođuổi công nghệ không gian

Cơ quan thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời phát ngôn viên của Ủy ban công nghệ vũ trụ Triều Tiên cho biết các nhà khoa học nước này đã “phân tích những sai sót” trong vụ phóng thử thất bại hồi tháng 4 và đã cải thiện độ chính xác của tên lửa Unha và vệ tinh Kwangmyongsong.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng: “Có vẻ như Triều Tiên đang chịu sức ép phải “chuộc lỗi” cho vụ phóng thử thất bại hồi tháng 4 và tiếp tục khẳng định Triều Tiên quyết tâm theo đuổi công nghệ không gian vũ trụ với nhiều mục đích vừa chứng minh khả năng bắn tên lửa tầm xa, tăng cường hiệu quả răn đe của mình đối với các nước thù địch, vừa có tham vọng gia nhập hàng ngũ các quốc gia có nền công nghiệp hàng không vũ trụ tiên tiến.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 8 tháng kể từ vụ phóng thất bại hồi tháng tư, nay Triều Tiên đã lại chuẩn bị cho một vụ phóng thử mới, vì thế một số nhà phân tích nghi ngờ liệu các nhà khoa học Triều Tiên có thực sự sửa chữa những sai sót khiến vụ thử hồi tháng tư thất bại hay không.

Khẳng định vị thế của nhà lãnh đạo mới

AFP dẫn lời Giáo sư Hàn Quốc Yang Moo-jin nhận định đợt phóng tên lửa mới trùng với dịp đánh dấu một năm sau khi Đại tướng Kim Jong-un lên nắm quyền. Vì thế, ông Yang cho rằng kế hoạch sắp tới vừa để chúc mừng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vừa giúp CHDCND Triều Tiên lấy lại thể diện sau thất bại hồi tháng Tư, đồng thời kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà sáng lập ra Triều Tiên.

Đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa tầm xa thứ hai dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong un, người kế tục quyền lãnh đạo từ cha mình - cố Chủ tịch Kim Jong il vào tháng 12/2011 và năm 2012 cũng là năm là bước vào con đường đi tới một “quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và vĩ đại” do nhà lãnh đạo mới Kim Jong un đề xuất. Ngoài ra, đây cũng là “món quà” thương lượng trong cuộc gặp giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước Nhật - Triều tại Bắc Kinh như dự định trước đây.

Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong un, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh kho vũ khí hạt nhân của mình nếu Washington không chấm dứt chính sách “thù địch” với Bình Nhưỡng. Triều Tiên khẳng định nước này cần chế tạo bom nguyên tử để tự vệ trước mối đe dọa hạt nhân của nước Mỹ trong khu vực.  

Thử phản ứng của các nước

Theo các chuyên gia, nếu phóng thử thành công, Triều Tiên sẽ nâng cao vị thế của mình để thương lượng với Hàn Quốc và Mỹ “bởi vì nếu phóng thành công, Triều Tiên sẽ tiến sát hơn tới việc chế tạo các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.

Tại Seoul, các quan chức Hàn Quốc đã buộc tội Triều Tiên đang tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống bằng hành động khiêu khích để gây áp lực tới các cử tri Hàn Quốc. Theo kết quả các cuộc thăm dò, ứng cử viên theo trường phái bảo thủ Park Geun-hye, con gái cố Tổng thống Park Chung-hee, và đối thủ thuộc lực lượng tự do Moon Jae-in đang đuổi bám nhau sát nút.

Hàn Quốc còn cho rằng Triều Tiên cũng muốn gây sức ép để Mỹ nhân nhượng. Các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một thách thức đối với Tổng thống Mỹ Obama trong nhiệm kỳ mới, đồng thời đây cũng là thông điệp rõ ràng của Bình Nhưỡng gửi tới nhà lãnh đạo mới của các quốc gia đồng minh chiến lược.

Sự phản ứng của dư luận

Sau khi có tin, Hàn Quốc chính thức bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch phóng tên lửa mới của Bình Nhưỡng và cảnh báo miền Bắc sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án.

Theo hãng tin AP, vụ phóng thử, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22/12, sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Seoul do lo ngại về tình hình an ninh trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 19/12 và với Washington khi Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama.

Còn Nhật Bản thì dọa rằng họ sẽ bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng nếu vụ phóng đe dọa tới an ninh của Tokyo. Đây là quyết định được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto, Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Chánh văn phòng Nội các Osamu Fujimura.

Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố ông sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga gây sức ép mạnh mẽ để Triều Tiên dừng phóng thử tên lửa. Nhật Bản còn tuyên bố hoãn các cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 5 và 6/12.

Mỹ cũng đã chỉ trích Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và gọi đó là mối đe dọa tới an ninh châu Á và thế giới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố: “Nếu Triều Tiên phóng thử “vệ tinh” thì đó sẽ là một hành động rất khiêu khích. Bất kỳ hành động nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ trực tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Nga cũng kêu gọi Bình Nhưỡng xem xét lại quyết định phóng tên lửa. Và cho rằng việc đó chỉ có thể được thực hiện sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hủy bỏ lệnh cấm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên trong trường bay hợp bay lệch quỹ đạo và các mảnh vỡ có thể rơi xuống lãnh thổ nước này.

Trước đó, từ ngày 29/11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh cáo Bình Nhưỡng không được tiến hành phóng tên lửa vì đó là hành động “thiếu khôn ngoan”. Vì thế, dư luận quốc tế đang quan ngại sâu sắc cho an ninh khu vực và quốc tế là có cơ sở./.