Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/2 sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị An ninh Munich lần thứ 53 tại Đức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo này là một phần trong cuộc đối thoại chính trị của NATO với Nga.

nato_nga_arfe.jpg
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bên lề Hội nghị An ninh Munich lần thứ 53 tại Đức. Ảnh: Sputnik.

Tổng thư ký NATO cho biết: “Chúng tôi đã giải quyết một loạt vấn đề khác biệt trong quan hệ hai nước, như tình hình Ukraine và các vấn đề khác giữa NATO và Nga”.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cũng thừa nhận, giữa Nga và NATO còn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Do đó, trong thời gian tới, hai bên cần tích cực đối thoại chính trị nhằm giảm căng thẳng.

Ông Stoltenberg nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đối thoại chính trị với nhau nhằm giảm căng thẳng, và ít nhất là giải quyết tốt quan hệ với phía Nga. Tuy nhiên giữa hai bên vẫn còn nhiều bất đồng. Do đó, một mặt chúng tôi vừa cần cải thiện quan hệ với Nga, mặt khác cần phải tăng cường khả năng phòng thủ tập thể để đảm bảo rằng NATO có thể sẵn sàng phản ứng một cách linh hoạt trước một môi trường an ninh ngày càng biến động”.

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO một lần nữa cho thấy, cho dù lịch sử đã có nhiều thay đổi kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949, nhưng hiện liên minh này vẫn phải một mặt tiếp tục cải thiện quan hệ với Nga, mặt khác duy trì mục tiêu kiềm chế sức mạnh của Nga.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, di cư bất hợp pháp, không quốc gia nào có thể đơn phương đối phó thành công mà cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước với nhau.

Quan hệ Nga - NATO cũng nằm trong xu thế chung của thời đại, do vậy cần nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm điểm chung để hợp tác.

Mối quan hệ Nga-NATO thời gian qua rất căng thẳng liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. NATO đã đình chỉ hoạt động của Hội đồng NATO-Nga hồi năm 2014. Ngoài ra, khối quân sự này cũng tăng cường sự hiện diện quân sự tại 3 nước vùng Baltic và Ba Lan, áp sát biên giới Nga, bất chấp sự phản đối của Nga.

Để đáp trả, Nga cũng gia tăng các hoạt động củng cố quốc phòng và tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

Tới tháng 4/2016, Hội đồng NATO- Nga đã họp trở lại sau hai năm “đóng băng” quan hệ.

Từ đó đến nay, Nga và NATO đã nhiều lần nối lại đối thoại, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất đồng không dễ giải quyết, đặc biệt trong vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine và cuộc nội chiến ở Syria./.