Sáng 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã phát biểu trước một đám đông ở thành phố Istanbul trong lúc lực lượng an ninh truy quét các nghi phạm sau vụ đảo chính làm xáo trộn tình hình nước này với cảnh tượng xe tăng và người biểu tình xuất hiện trên phố trong khi máy bay quần thảo trên bầu trời.

binh_si_tho_1_nowb.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiện đảo chính vừa qua ở nước này. Ảnh: EPA.

Ông Erdogan khẳng định: “Ở Thổ Nhĩ Kỳ quân đội không quản lý đất nước, họ không thể như thế và mọi người nên biết điều đó. Chính phủ là người kiểm soát đất nước.”

Cuộc đảo chính bắt đầu vào tối 15/7 và kéo dài đến sáng sớm hôm sau.

Theo hãng tin Anadolu, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính đã lên đến khoảng 90 người, còn số bị thương là 1.154 người. Hãng này cũng cho biết, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ, tướng Hulusi Akar, đã được giải cứu sau một chiến dịch ở căn cứ không quân nằm ở ngoại ô thủ đô Ankara.

Vẫn theo hãng tin Andolu của nhà nước Thổ, Thủ tướng Binali Yildirim đã kêu gọi các nghị sĩ họp khẩn cấp vào ngày hôm nay (16/7).

Diễn biến trước đó

Cuộc đảo chính diễn ra nhanh chóng, bắt đầu bằng việc giành quyền kiểm soát đối với các đài truyền hình và cuộc đối đầu vũ trang giữa một bên là lực lượng trung thành và các đám đông ủng hộ chính phủ với một bên là nhóm quân đội tự xưng là Hội đồng Hòa bình trong nước.

Rắc rối bắt đầu rõ khi các khách lữ hành thông báo qua Twitter rằng các chuyến bay đã bị hủy ở sân bay Istanbul trong khi máy bay quân sự Thổ bay rất thấp bên trên thành phố này. Các xe quân sự đã chặn 2 cây cầu bắc qua eo biển Bosporus chia đôi thành phố Istanbul. Hãng tin Dogan cho biết, các binh sĩ đã bắn vào những người cố vượt cầu khiến một số người bị thương.

Tin tức cho hay, các đơn vị quân sự đã chiếm lĩnh các phòng tin tức tại các đài truyền hình nhà nước. Theo Andolu, sau đó một máy bay trực thăng quân sự nã đạn vào một trụ sở của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, cướp đi sinh mạng của 17 nhân viên cảnh sát. Một chiến đấu cơ F-16 của quân đội Thổ đã bắn hạ một trực thăng Sikorsky.

Xe tăng quân đội Thổ ở sân bay quốc tế Istanbul. Ảnh: AP.

Kênh CNN tiếng Thổ cho biết cuộc đảo chính diễn ra ở Ankara khi 2 xe ô tô chở đầy lính lao vào trụ sở hãng tin TRT của nhà nước. Sau đó kênh này bắt đầu phát một loạt bản tin dự báo thời tiết, theo Hurriet.

Trên Twitter, kênh CNN tiếng Thổ cho hay các binh sĩ đã có mặt ở Trung tâm Truyền thông Dogan nơi đặt đại bản doanh của hãng Dogan. Sau đó những binh sĩ này xông vào trường quay.

Sau khi binh lính vào được phòng tổng khống chế, MC chương trình CNN tiếng Thổ nói trên sóng: “Chúng tôi giờ phải đi”.

“Chống Erdogan để vãn hồi dân chủ”

Trong khi đó một người dẫn chương trình của kênh TRT1 TV đọc một văn bản của nhóm quân nhân đã chiếm phòng tin tức của MC này, với nội dung gọi Tổng thống Erdogan là kẻ phản bội.

Hãng tin tư nhân Dogan cho biết, nhóm trên tuyên bố họ hành động như thế “để vãn hồi trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do, nhằm bảo đảm chế độ pháp trị ở đất nước này, vì pháp luật và trật tự”.

Hãng tin Anadolu thì cho biết một quả bom đã đánh trúng trụ sở quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. Đài CNN tiếng Thổ đưa tin, một số cảnh sát và nhân viên văn phòng quốc hội đã bị thương trong vụ tấn công bằng bom.

Trong khi đó Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Thông qua ứng dụng FaceTime và điện thoại iPhone cá nhân, ông Erdogan đã liên lạc với đài NTV và gửi đi thông điệp thách thức nhóm đảo chính.

Khi ấy ông Erdogan tuyên bố đảo chính đã thất bại và chính quyền của ông vẫn kiểm soát tình hình. Ông kêu gọi những người ủng hộ tập hợp lực lượng trên các quảng trường và đổ xuống phố để đối mặt với những kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính.

Lời ông Erdogan: “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì mạnh mẽ hơn nhân dân”.

Một luật sư của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Robert Amsterdam, cho biết có dấu hiệu một giáo sĩ lưu vong ở Pennsylvania  (Mỹ) đã “dính líu trực tiếp” vào âm mưu đảo chính. Ông Amsterdam cho hay ông và hãng luật của mình đã cảnh báo nhiều lần với chính phủ Mỹ về mối đe dọa từ giáo sĩ Fethullah Gulen và phong trào của ông này, theo AP.

Tuy nhiên Chủ tịch của nhóm cổ xúy các ý tưởng của Gulen đã bác bỏ cáo buộc này.

Tờ nhật báo Hurriet cho biết Thủ tướng Thổ Binali Yildirim tuyên bố đây chỉ là “một cuộc phiến loạn” và phủ nhận việc nhóm quân nhân này kiểm soát được tình hình.

Ở Ankara, Đại sứ quán Mỹ gửi thông báo khuyên công dân Mỹ ở Thổ hãy ở trong nhà trong giai đoạn này.

Đã có 3 cuộc đảo chính thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1960. Có một cuộc đảo chính “mềm”, trong đó quân đội ra chỉ thị cho chính quyền Thổ và buộc chính quyền Thổ phải chấp hành./.