Tình hình Syria những ngày gần đây lại nóng lên khi phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tiếp viện cùng xe tăng tới tỉnh Idlib, trong khi chính phủ Syria tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuộc đụng độ liên tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria ở tỉnh Idlib đã đe dọa phá vỡ các mối quan hệ hợp tác phức tạp trên bàn cờ chiến lược Syria, cũng như các thỏa thuận mong manh và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Idlib có tới 4 triệu dân. Liệu leo thang căng thẳng ở Syria có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tới "lằn ranh đỏ"?

syria1_isli.jpg
Chiến sự Idlib, Syria. Ảnh: Reuters

Vì sao xung đột Syria bùng phát trở lại?

Tỉnh Idlib là nơi có khoảng 4 triệu người Syria đang sống, là khu vực cuối cùng mà chính quyền Syria muốn giải phóng và đang được đặt dưới sự giám sát chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đây thực sự là khu vực rất phức tạp khi mà vẫn còn nhiều tổ chức khủng bố, cực đoan hoạt động và là một yếu tố khiến cho tình hình ở Idlib leo thang.

Trong tháng 1 vừa qua, nhiều vụ tấn công bùng phát khiến hàng trăm người dân Syria thương vong trong đó có vụ 40 binh sĩ Syria đã thiệt mạng và 80 người bị thương trong một cuộc tấn công của các phe phái vũ trang ở miền bắc Idlib, cùng với đó là các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tiếp tục căng thẳng khi 6 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một vụ không kích. Cả chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đỗ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và tố cáo lẫn nhau đã thực hiện hoặc hỗ trợ các vụ tấn công vừa qua. Các bên liên tục đưa ra các cảnh báo, tối hậu thư và tăng cường quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức tăng cường quân tiếp viện và thiệt bị quân sự tới Idlib, đồng thời cảnh báo Syria cần rút khỏi khu vực giám sát chung trước tháng 3 tới, cũng như sẽ tấn công nếu bất kỳ binh nào của nước này thương vong ở Idlib. Trong khi đó Syria với sự hậu thuận của Nga cũng tăng cường kiểm soát và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền khi gửi quân tiếp viện, đồng thời sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào. Nhưng động thái này khiến cho tình hình Idlib trở nên căng thẳng và khả năng xảy ra đụng độ lớn giữa hai bên là rất cao dù Nga đang tích cực làm trung gian.

Tuy nhiên, vấn đề Syria hay Idlib vẫn luôn được coi là cuộc chiến ủy nhiệm, một bên là Syria được Nga và Iran hậu thuẫn, một bên là các phe đối lập ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hậu thuẫn. Do đó, giới phân thích cho rằng ở một khía cạnh khác, cuộc chiến ở Idlib hiện này chính là cuộc đối đầu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã can thiệp vào tình hình Libya, một đồng minh được Nga hậu thuẫn, khiến cho tình hình Libya thêm phức tạp. Đáp lại động thái này, Nga đã bật đèn xanh cho quân đội Syria tăng cường quân sự và gây sức ép với các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria. Thổ Nhĩ Kỳ một mặt muốn tăng ảnh hưởng ở Bắc Phi, một mặt muốn gây sức ép và mặc cả với Nga và EU cụ thể là Pháp nước đang bảo trợ giải quyết khủng hoảng Libya.

Vị trí chiến lược của Idlib  

Idlib có thể nói là thành trì cuối cùng mà chính quyền Syria muốn giải phóng trong khoảng 5% lãnh thổ còn lại nhưng nó có vai trò rất quan trọng khi kiểm soát phần lớn dầu mỏ và là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Assad và là địa bàn chiến lược về an ninh tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể đây là thành trì cuối cùng của các lực lượng đối lập, khủng bố, cực đoan mà Syria cũng muốn giải phóng hoặc kiểm soát. Do đó, nếu giải phóng hoặc kiểm soát hoàn toàn Idlib, đồng nghĩa với việc chính quyền Syria với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đã chiến thắng cả trên thực địa, ảnh hưởng lẫn trên bàn cơ khu vực, quốc tế. Bởi tham gia vào cuộc chiến này có nhiều bên liên quan trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, Idlib có thể coi là vùng đệm về an ninh. Trước hết, với việc kiểm soát Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm bớt mối đe dọa về an ninh và nguy cơ tấn công của lực lượng người Kurd ở Syria và lực lượng Đảng công nhân người Kurd (PKK) mà nước này coi là khủng bố. Thứ hai, sự can thiệp này là bài toán để mặc cả với EU về vấn đề người tị nạn từ Syria vào châu Âu, cũng như mặc cả với Nga, Mỹ trong nhiều vấn đề khác liên quan tới an ninh, quân sự và kinh tế. Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn đứng về phía Mỹ trong việc chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Assad.

Nga có vai trò gì trong cuộc xung đột Syria – Thổ Nhĩ Kỳ?

Cuộc chiến ở Syria vẫn được coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa các cường quốc, do đó phần nào vẫn được kiểm soát hoặc kiềm chế. Tuy nhiên, ngoài sự đối đầu giữa các bên thì vẫn có sự kích động, chống phá của các nhóm, tổ chức khủng bố. Đó là điều mà các bên khó kiểm soát và cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Theo giới phân tích, cuộc xung đột Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib đã bước vào một giai đoạn leo thang mới có thể dẫn đến tình trạng xấu đi hơn nữa. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của Nga ở Syria và quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Với tư cách là người ủng hộ chế độ Syria, Nga không thể là trung lập trong cuộc xung đột Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn một cuộc đụng độ giữa hai bên. Nga là người kiểm soát “trò chơi” cho đến bây giờ và do đó, bất kỳ động thái nào của lực lượng Syria, đặc biệt là các cuộc tấn công mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến hành nếu không có sự "bật đèn xanh" từ Nga.

Giới phân tích nhận định các cuộc đụng độ và sự leo thang ở Syria là "cuộc tranh chấp lớn giữa Moscow và Ankara". Sự leo thang quân sự hiện nay giữa quân đội Syria và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015. Tuy nhiên, leo thang này không thể nói rằng vai trò của Nga yếu đi hoặc thất bại ở Syria, ngoại trừ trong trường hợp có sự can thiệp của một lực lượng quốc tế khác, đó là Mỹ. Vì Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Ankara đồng thời đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Syria trong nỗ lực chấm dứt leo thang. Điều này đặt ra hoài nghi liệu có thể nhân cơ hội này Mỹ muốn quay trở lại Syria hay chỉ là tuyên bố?

Một trong những kịch bản hiện nay là khả năng leo thang trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng điều này là khó xảy ra. Diễn biến Idlib có lẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố sắp tới của Tổng thống Erdogan. Giới phân tích cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu leo thang căng thẳng mới sau những cái bắt tay “ngọt ngào” khi hợp tác mua S-400 hay trong các dự án kinh tế, khí đốt khác?./.