Sau loạt vụ tấn công ở các nước phương Tây và Trung Đông trong năm 2015 và đầu năm 2016, chủ nghĩa khủng bố bắt đầu có dấu hiệu hoạt động mạnh ở địa bàn Đông Nam Á. Nguy cơ khủng bố mà khu vực này đang đối mặt là không thể coi thường.
Cảnh sát Indonesia lục soát tại tòa nhà bị đánh bom hôm 14/1. Ảnh: AP. |
Loạt tấn công liên hoàn và quyết liệt bằng súng và bom ở nhiều địa điểm thuộc trung tâm Jakarta vào ngày 14/1 chắc chắn là một đợt tấn công khủng bố.
Các nhân chứng cho hay, các kẻ khủng bố bao gồm nhiều tên và tỏ ra “chuyên nghiệp”, chủ động tấn công lực lượng cảnh sát, sử dụng cả chiêu đánh bom liều chết và cố gắng tạo ra mức độ sát thương lớn nhất.
Vị trí tấn công lại khá nhạy cảm: Giữa trung tâm thủ đô của Indonesia (nước đông dân nhất Đông Nam Á), gần dinh Tổng thống nước này và trụ sở Liên Hợp Quốc cùng một số đại sứ quán tại đây. Có lẽ những kẻ tấn công muốn gây tiếng vang lớn.
Ngay trong trường hợp IS hay al-Qaeda chưa nhận trách nhiệm gây ra loạt tấn công này thì vẫn có nhiều khả năng đây là hoạt động khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành.
Indonesia là một quốc gia đông dân nhất trong các quốc gia Hồi giáo. Tuy Indonesia là một quốc gia thế tục và đa số cư dân theo đạo Hồi ôn hòa nhưng từ trước đây đất nước này từng có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan bạo lực. Từ đầu thế kỷ 21 đã xảy ra không ít vụ tấn công đẫm máu do các nhóm này tiến hành ở Indonesia.
Trong thời gian qua, lực lượng an ninh Indonesia đã dẹp nhiều nhóm như vậy, truy bắt nhiều phần tử dính dáng đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn còn một số mạng lưới chiến binh Hồi giáo quy mô nhỏ hoạt động ngầm ở quốc gia này.
Tổng thống Indonesia Widodo (áo trắng, giữa) trực tiếp ra hiện trường vụ khủng bố hôm 14/1. Ảnh: Reuters. |
Không những vậy, nhiều nguồn tin xác nhận: Trong vài năm qua đã có hàng trăm người Hồi giáo Indonesia sang Syria chiến đấu cho tổ chức IS và nhiều kẻ trong số này đã quay trở về Indonesia.
Bất chấp các nỗ lực và thành công của ngành an ninh Indonesia, tổ chức IS dường như vẫn truyền được cảm hứng cho các phần tử cực đoan trong xã hội nước này.
Trên thực tế, giới chức Indonesia đã nhận được nhiều cảnh báo đe dọa từ các nhóm cực đoan và đã phải cảnh giác cao độ từ dịp cuối năm 2015 đến nay. Có lẽ phải đến ngày 14/1/2016 này, các phần tử khủng bố mới tìm được sơ hở trong hệ thống an ninh Indonesia để “ra tay chọc thủng”.
Theo thông tin của cảnh sát Indonesia trong ngày 14/1, có một nhóm cực đoan ủng hộ IS đã đứng đằng sau vụ tấn công 14/1. Riêng cảnh sát Jakarta khẳng định IS chắc chắn là thủ phạm của loạt khủng bố này.
Trước đó hôm 13/1, thủ lĩnh nhóm khủng bố Hồi giáo “giang hồ” al-Qaeda cũng gửi thông điệp xúi giục người Hồi giáo ở Indonesia tấn công các lợi ích của Mỹ.
Hãng BBC vào cuối ngày 14/1 cho biết, một nhóm truyền thông có liên kết với IS đã tuyên bố rằng vụ tấn công Jakarta là do các chiến binh IS tiến hành với mục tiêu là các công dân nước ngoài và lực lượng an ninh bảo vệ họ.
Trên thực tế trong số những người thương vong có cả các công dân không phải là người Indonesia. Cả Ngoại trưởng Hà Lan và Ngoại trưởng Anh đều đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước loạt vụ tấn công khủng bố mới nhất này...
Trong trường hợp có đầy đủ chứng cớ chắc chắn để khẳng định loạt vụ tấn công ở Jakarta là do IS trực tiếp gây ra hoặc hậu thuẫn thì tính nghiêm trọng của vụ việc càng bị đẩy cao lên nữa.
Cảnh sát Indonesia làm chủ tình hình ở trung tâm Jakarta; 7 người chết
Đối với Đông Nam Á hiện nay, hiểm họa khủng bố cực đoan đẫm máu không còn ở đâu xa. Trong bối cảnh các thế lực khủng bố quốc tế gặp nhiều trở ngại ở Trung Đông, rất có thể vùng Đông Nam Á được các thế lực đó xem là địa bàn hoạt động thuận lợi.
Không loại trừ khả năng chủ nghĩa khủng bố (chủ yếu là khủng bố Hồi giáo) sẽ trở thành mối nguy lớn và trực tiếp của cộng đồng ASEAN trong thời gian sắp tới, trước tiên là ở các nước có đông người Hồi giáo./.