Trong vòng  từ  ngày 17/6 đến ngày 21/6, diễn ra hàng loạt cuộc gặp giữa các bên nhằm thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trước tiên phải kể đến chuyến công du Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Kye-Gwan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Cho Tae-yong.

Tiếp đến  là  cuộc gặp 3 bên  Mỹ, Nhật, Hàn tại Washington cũng thảo luận việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định một tương lai phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng kết quả các cuộc đối thoại vừa kết thúc đang mở ra hy vọng mới cho tiến trình đàm phán dai dẳng thời gian qua.

thu%20truong%20ngoai%20giao%20trieu%20tien%20kim%20kye-gwan.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan (ảnh: Yonhap)

Hôm 21/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan, hiện ở thăm Bắc Kinh, đã có cuộc thảo luận về phương thức nối lại cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp, quan chức hai nước đã trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn và sâu rộng về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay, phương thức nối lại tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cùng một số vấn đề khác. Hai bên cùng nhất trí rằng cuộc đối thoại giữa Bộ Ngoại giao hai nước là hữu ích và mang tính xây dựng.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan cũng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quan điểm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên tiến hành đối thoại và tham vấn nhằm giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này, thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Theo ông Dương Khiết Trì, tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu, song vẫn còn rất phức tạp và nhạy cảm. Ông kêu gọi các bên liên quan xúc tiến hơn nữa các cuộc đối thoại và tiếp xúc nhằm giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hơn.

Triều Tiên xuống nước?

Nếu so với những động thái vừa diễn ra trong vòng vài tháng trở lại đây khi Triều Tiên từng nhắc đến một cuộc tấn công hạt nhân với Mỹ, cắt đứt các cơ chế liên lạc và hợp tác với Hàn Quốc... thì đề xuất đối thoại mới nhất của Bình Nhưỡng được xem là động lực mới giúp khai thông bế tắc trong đàm phán sáu bên hiện nay.

Cánh cửa đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên dường như đã hé mở. Các nhà bình luận quốc tế hy vọng, cuộc đàm phán 6 bên sẽ sớm được nối lại.

Ông Ko Soo Suk, giám đốc Viện nghiên cứu Hanwha của Hàn Quốc nhận định: Việc Triều Tiên đề xuất đàm phán cấp cao với Mỹ cũng có thể là một dấu hiệu của việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên.

“Đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên là rất cần thiết. Bây giờ là thời gian đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên,” ông Ko Soo Suk nói. “Ông Kim Kye-Gwan đang ở thăm Trung Quốc cho thấy phía Triều Tiên đang sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. Trong khi đó, chuyến thăm lần này có thể trở thành một bước đột phá cho các cuộc đàm phán của Triều Tiên và Triều Tiên hy vọng có thể đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc trong chuyến thăm này, để mở đường cho các cuộc đàm phán với Mỹ. Do vậy, chuyến thăm này sẽ tích cực thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên”.

Khác biệt vẫn còn đó

Tuy nhiên không phải không có những trở ngại đối với cuộc đàm phán 6 bên Triều Tiên.

Một mặt không ngừng hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán nhưng mặt khác, Mỹ - Nhật - Hàn trong cuộc thảo luận ba bên mới đây cũng đưa ra điều kiện với Bình Nhưỡng. Trong đó, ba đối tác của đàm phán sáu bên coi việc Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cải thiện quan hệ liên Triều và giải quyết việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào những năm 70-80 của thế kỷ trước… là những việc cần thực hiện để kéo họ trở lại bàn đàm phán.

Trong khi đó, dù đồng ý nối lại tiến trình thảo luận về chương trình hạt nhân, Triều Tiên vẫn yêu cầu Mỹ không được đặt ra các điều kiện tiên quyết và nội dung đàm phán không chỉ về vấn đề giải trừ hạt nhân mà cần phải thảo luận bao quát về tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Đến lúc này, sự hạ nhiệt của điểm nóng Triều Tiên đã được thấy rõ. Thế nhưng, những tiêu chuẩn mà các bên áp đặt lẫn nhau để có thể hướng tới đối thoại dường như vẫn chưa thay đổi nhiều. Điều đó cho thấy rằng, việc tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên dù đã có những chỉ dấu lạc quan hơn nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn khi các bên vẫn thiếu sự tin tưởng cần thiết về những ý định thực sự của nhau./.