Khi ôngRichard Parker rời Việt Nam vào năm 1970, ông dự định sẽ chôn chặt ký ức về những vụ tấn công bằng bom napalm, nhưng thời gian trôi đi, những ký ức ấy vẫn liên tục ám ảnh ông.
“Chúng tôi là những kẻ xấu”, ông Parker, giờ đã 65 tuổi, chia sẻ về cuộc chiến tranh Việt Nam, “Tôi cần phải đối mặt với những bóng ma trong quá khứ”.
Ám ảnh quá khứ
Năm 2011, ông Parker đã bay từ Illinois đến Đà Nẵng- nơi ông từng làm công nhân xây dựng cho lực lượng Hải quân Mỹ trong vòng 22 tháng. Ngay khi trở lại Đà Nẵng, ông bắt đầu tìm đến những địa danh mà ông còn nhớ được, trong đó có một con đèo nơi ông chứng kiến một vụ giao tranh.
Cũng trong chuyến đi đó, một người đàn ông Việt Nam từng làm việc cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã giới thiệu cho ông Parker một số cựu binh Mỹ từng sinh sống nhiều năm tại Đà Nẵng.
Ông Parker rất vui khi được gặp những người này và nhận ra một diện mạo hoàn toàn mới về Việt Nam và quyết định chuyển sang Đà Nẳng chỉ vài tháng sau đó.
Sự hiện diện của các cựu chiến bịnh Mỹ tại Việt Nam hiện nay cũng như việc họ được chào đón chân tình khi đến đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Việt- Mỹ đã trở nên nồng ấm hơn kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
“Các cựu binh Mỹ đều muốn đến đây để chứng kiến một Việt Nam hoàn toàn khác trước”, bà Nguyễn Thị Nga, 34 tuổi, người thường xuyên đón các cựu binh Mỹ đến ăn tại một nhà hàng của bà ở Đà Nẵng, chia sẻ.
“Có thể họ nhận ra rằng, chiến tranh là điều xấu xa và muốn chuộc lại những gì sai trái mà người Mỹ đã gây ra tại Đà Nẵng”, bà Nga nói.
Chuộc lại lỗi lầm
40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (ngày 30/4/1975), Mỹ đang cố gắng củng cố mối quan hệ chiến lược và kinh tế với Việt Nam. Năm 2014, Mỹ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đến Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số 12 quốc gia đang tiến hành đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ.
Dù Đại sứ quán Mỹ tuyên bố họ không có số liệu về các cựu binh Mỹ thường xuyên đến thăm Việt Nam hay quyết định định cư tại Việt Nam, ông Parker cho biết, ông đã gặp hàng chục cựu binh Mỹ, những người đã từng sống hơn 6 tháng tại Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Bill Ervin, một cựu binh sĩ thủy quân lục chiến tại Colorado, giờ mở một công ty du lịch tại Đà Nẵng cùng người vợ Việt Nam của mình, cho biết, khoảng 50 cựu binh Australia và Mỹ đã sống tại thành phố này ít nhất 4 tháng/năm. Trong khi đó, nhiều người khác thường xuyên đến đây bằng visa du lịch.
Nhiều cựu binh Mỹ cho biết, họ quyết định quay trở lại Việt Nam để đối mặt với “bóng ma thời chiến” và cảm nhận nhiều hơn về quốc gia đã có những ảnh hưởng sâu nặng đến họ khi còn là những chàng trai trẻ.
“Tôi nghĩ là chúng tôi muốn quay trở lại để chạm vào một thứ gì đó sâu thẳm trong mình”, ông Ervin, một cựu binh Mỹ chuyển đến sống tại Đà Nẵng năm 2007 nói, “Nhiều người đã bỏ lại một phần rất quan trọng của mình tại đây”.
Nhiều cựu binh Mỹ cũng bày tỏ cảm xúc cá nhân và cảm thấy có trách nhiệm về những tổn thất mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh cũng như những tồn dư của chất độc hóa học vốn để lại những hậu quả nặng nề cho đến tận bây giờ.
Trong giai đoạn 1962-1971, quân đội Mỹ đã trút tới hơn 75 triệu lít chất độc màu da cam và các loại hóa chất diệt cỏ khác tại Việt Nam, phá hủy toàn bộ vùng rừng núi có diện tích tương đương bang Massachusetts.
Dù Việt Nam có nhiều bằng chứng cho thấy, chất độc dioxin là tác nhân trực tiếp gây ung thư, dị tật bẩm sinh và nhiều vấn đề về sức khỏe khác, nhưng cho đến nay Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này, ngay cả khi đã chi tới 43 triệu USD tiền khử độc tại khu vực sân bay Đà Nẵng, trước đây từng là căn cứ không quân của Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều cựu binh Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam đều đã nhận được tiền đền bù vì thương tật do chất độc màu da cam gây ra.
Hành động thực chất
“Nhiều người bạn của chúng tôi đang chết dần chết mòn” bởi những căn bệnh có liên quan đến chất độc da cam”, ông Chuck Palazzo, một nhà phát triển phần mềm tại New York, hiện đang sống tại Đà Nẵng chia sẻ.
“Cuối cùng tôi đã hiểu rõ về những tác động của chất độc này đối với chúng tôi, vậy còn những người Việt Nam thì sao?”, ông Palazzo nói.
Từng là cựu binh sĩ thủy quân lục chiến tại Đà Nẵng, ông Palazzo đã đến Việt Nam vào năm 2001 trước khi quyết định đồng sáng lập chi nhánh Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình tại Việt Nam.
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại St. Louis này thường xuyên tổ chức các chuyến thăm Việt Nam cho các cựu chiến binh và mỗi năm họ gây quỹ được 50.000 USD để ủng hộ cho các tổ chức tại Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những di chứng của chiến tranh.
Ông Phan Thành Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Đà Nẵng, cho biết, hàng tuần, có 2-3 cựu binh Mỹ đến thăm hội và một nửa trong số này thường xuyên quay trở lại hội.
“Lời đầu tiên họ nói khi gặp mặt các nạn nhân là xin lỗi về những gì họ và Chính phủ Mỹ đã gây ra trong chiến tranh”, ông Tiến nói.
Khép lại quá khứ
Hàng tuần, vào thứ 7, các cựu chiến binh Mỹ tại Đà Nẵng lại chơi bài tại nhà ông Ervin. Sau khi chơi bài xong, họ đi xe máy đến quán ăn của bà Nguyễn Thị Nga và cùng nhau thưởng thức những chai bia lạnh.
Khi mặt trời sắp lặn, họ ngồi hóng gió cùng hai cựu binh Mỹ khác đến từ Albuquerque, New Mexico là ông Suel Jones, Chủ tịch chi nhánh Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình tại Việt Nam và Deryle Perryman, một nhà làm phim và từng là một nhạc sỹ tham gia xây dựng trường học tại khu vực nông thôn miền Trung Việt Nam.
“Tôi quay trở lại để sửa chữa những sai lầm từ thời trẻ của mình”, ông Perryman nhắc lại chuyến thăm Việt Nam lần đầu vào năm 1995, “Khi đến đây, tôi nhận thấy đây là một đất nước xinh đẹp và người dân rất tuyệt vời”, ông Perryman nói.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, ông Parker cũng giới thiệu một người bạn của mình, ông Nguyễn Tấn Hòa, người từng là cậu bé lau súng trường cho các binh sĩ Mỹ.
Trong chuyến quay trở lại Việt Nam lần đầu năm 2011, ông Parker đã ở tại nhà nghỉ gần bãi biển Non Nước mà ông Hòa làm chủ. Ông Hòa cũng đã đưa ông đến nhà hàng của bà Nguyễn Thị Hoa.
Ông Hòa, giờ đã 60 tuổi, vẫn nói tiếng Anh rất nhuần nhuyễn và theo ông đó là do ông đã nhiều năm nói chuyện với những người bạn Mỹ của mình.
“Tôi học cách để trở nên dễ gần hơn”, ông Hòa nói trong khi nhấm nháp lon Coca- Cola.
Đây là “người đàn ông dễ thương nhất Việt Nam!”, ông Parker khẳng định.
Nhiều cựu binh Mỹ cho biết, họ rất hồi hộp khi nhắc đến chuyện quay trở lại Việt Nam và đã rất ngỡ ngàng vì sự đón tiếp nồng hậu của rất nhiều người dân tại đây.
Bà Nga cho biết, cuộc chiến này đã qua lâu rồi và bà không còn nghĩ nhiều đến cuộc chiến này nữa.
“Giờ thì các cựu binh Mỹ cũng chẳng còn khác gì những người nước ngoài nữa”, bà Nga chia sẻ./.
>> Xem thêm: Chính nghĩa không thuộc về chế độ “Việt Nam Cộng hòa”