Nhà báo khoác áo lính
Là lớp phóng viên ảnh thế hệ thứ 2 của TTXVN, nhưng với sự năng nổ và lòng say mê nghề đã cho nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cơ hội may mắn chứng kiến bước đi thần tốc của cả đất nước vào mùa xuân đại thắng năm 1975, để rồi ông lưu dấu dấn của mình vào chặng đường cách mạng vẻ vang đó bằng những khoảnh khắc lịch sử đặc biệt.
Bộ ảnh mà nhà báo Đinh Quang Thành có được bằng sự năng động, niềm say mê với nghề, không sợ khó, sợ khổ thậm chí cả hy sinh, giờ đây đã là một phần quan trọng trong kho tư liệu ảnh của TTXVN. Nhiều bức ông ghi lại khoảnh khắc mùa xuân chiến thắng năm 1975 giờ đã là những hình ảnh tiêu biểu, điển hình trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Trong số đó phải kể đến tấm ảnh chụp Lữ đoàn xe tăng 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập hay các chiến sĩ Sư đoàn 10 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất... được in trên các trang báo suốt 40 năm qua.
Trải lòng về những ngày tháng ấy, trong ánh mắt, giọng nói của ông trào lên cảm xúc đặc biệt. Ông kể, ngày 26/3/1975, khi đang công tác tại Hải Phòng, nhận được thông báo từ cơ quan, ông gấp rút trở về Hà Nội để tham gia chiến dịch. Về tới nơi, ba lô, quần áo, súng ống và các dụng cụ tác nghiệp đều đã chuẩn bị trước, xe ô tô chờ sẵn đợi giờ xuất phát.
Xe ô tô đi gấp gáp ngày đêm, sáng 27/3, tổ của ông đã có mặt tại Huế. Từ Huế tiến thẳng vào Đà Nẵng, cầu phà khắp nơi bị đánh sập, ô tô đi lại vô cùng khó khăn, nhiều lúc, ông cùng đồng nghiệp phải lội qua sông mà đi tiếp. Khi tới cầu Nam Ô, ngoại vi thành phố Đà Nẵng, gặp Lữ đoàn tăng 203, cả tổ nhanh chóng bắt kịp và nhảy lên xe tăng đi cùng. Nhờ vậy, mà mọi người chụp được rất nhiều ảnh giá trị khi xe tăng của quân ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng…
Nhà báo Đinh Quang Thành tâm sự, ông chưa bao giờ cầm súng, nhưng giờ đây, khoác trên mình chiếc ba lô và màu xanh áo lính, cây súng ngang hông, ông cảm thấy mình đã trở thành người lính thực thụ. Hòa vào không khí đất nước, khi chiến tranh đang vô cùng khẩn trương, dường như trong ông không thể nghĩ suy nhiều thứ mà điều khiến ông luôn trăn trở là làm sao có được những tin tức nóng nổi, chớp lấy những khoảnh khắc lịch sử, kịp thời cung cấp tới đồng bào.
Trong suốt 50 năm cầm máy, giảng dạy và viết sách về nhiếp ảnh, nhà báo Đinh Quang Thành cho rằng, chiến dịch Hồ Chí Minh là sự kiện lớn nhất, đồng thời là may mắn và vinh dự lớn nhất trong cuộc đời làm báo của ông. Chính cơ may được tham gia sự kiện lịch sử này ông đã lưu giữ được nhiều khoảnh khắc ý nghĩa.
Sáng 29/4, ông cùng các đơn vị bộ đội tập trung tại rừng cao su phía nam Dầu Giây, Binh đoàn thọc sâu gồm Lữ đoàn tăng 203 và Trung đoàn 66 tập trung ở đó, bắt đầu cuộc hành quân tiến vào Sài Gòn. Cũng trong buổi sáng hôm đó, ông chụp được lễ trao cờ Quyết chiến, Quyết thắng do Sư đoàn 304 trao cho Trung đoàn 66, đơn vị xung kích trong chiến dịch.
Sáng 30/4, ông theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Trên xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn dài 31km lúc đó địch lập những “ổ đề kháng”, địch mang xe tăng án ngữ giữa đường cùng với những thùng phuy đổ đầy đất nhằm cản bước tiến quân ta. Địch còn dùng xe tăng và pháo bắn đoàn quân ta tiến tới. Để tiến vào Sài Gòn, buộc chúng ta phải tiêu diệt được những “ổ đề kháng” này. Lúc này, ông đã kịp thời ghi lại khung cảnh đậm chất thời sự đó.
Hỏi ông khi có mặt tại Dinh Độc Lập –sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền, vào đúng thời khắc lịch sử 11h30 ngày 30/4, ông nghĩ điều gì? Nhà báo Đinh Quang Thành cười, nói: “Tôi chỉ nghĩ đến độc giả. Tôi nghĩ tới hàng triệu người đọc báo ngày hôm sau và mãi sau này nữa. Tôi không nghĩ tới gia đình và càng không có thì giờ nghĩ tới cái chết”.
Tác phẩm để đời
Mặc dù không chụp được bức ảnh treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, song nhà báo Đinh Quang Thành lại có lối đi rất riêng để chớp lấy khoảnh khắc các chiến sỹ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Lần giở lại ký ức, ánh mắt ông như sáng lên: sau khi ghi lại khoảnh khắc ở Dinh Độc Lập, ông quay ra cửa Dinh để chụp những góc khác thì một anh thanh niên.
Sài Gòn đi xe máy đến trước mặt ông và nói rằng: “Cháu có chiếc đồng hồ nữ mới tinh, chú có thể đem về tặng cho vợ của chú, chú hãy đổi cho cháu một đồng tiền có in hình Bác Hồ để cháu mang về cho ba má xem”. Xúc động trước tình cảm của người dân Sài Gòn đối với Bác Hồ, Đinh Quang Thành đã không nhận cuộc đổi chác này. Vì không biết đường nên sau đó ông đã nhờ anh thanh niên chở tới sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nơi, ông tặng anh thanh niên 2 đồng tiền in hình Bác Hồ còn mới nguyên để làm kỷ niệm.
Đến nơi, khung cảnh mù mịt bởi khói lửa, tiếng cháy nổ khắp nơi bày ra trước mắt ông. Cùng lúc đó ông thấy một tổ đội ta băng qua đường băng, truy kích địch trong sân bay chìm trong biển lửa, khói đen bốc lên ngùn ngụt che kín cả bầu trời. Bằng sự tinh nhạy, Đinh Quang Thành đã giơ máy ảnh chụp liên tục hết một cuộn phim gồm 12 bức ảnh ghi lại giây phút lịch sử. Và cho đến tận ngày nay, bức ảnh Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc quan trọng ấy. Đó cũng chính là tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong phóng sự “Giải phóng Sài Gòn” của ông.
Nhà báo Đinh Quang Thành tâm sự, hành trang của ông trên chiến trường ngoài cây bút và chiếc máy ảnh còn có lời giảng của người thầy giáo mà ông vô cùng tâm đắc, đại ý là: Nếu anh muốn tấm ảnh của anh làm rung động lòng người, thì trước hết anh hãy rỏ vào đó những giọt mồ hôi, thậm chí là cả những giọt máu của mình nữa. “Cuộc chiến tranh gấp rút, tổng lực như vậy mà lo sợ lùi lại thì sẽ không có những bức ảnh chiếm cứ Dinh Độc Lập, ảnh truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất... mà báo chí đăng suốt 40 năm qua”, nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.
Đi qua hơn 8 thập kỷ cuộc đời, nhà báo-nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành vẫn khiến người đối diện không khỏi ngạc nhiên bởi niềm say mê nhiếp ảnh dường như vẫn căng tràn trong ông. Trải lòng khi ngày chiến thắng 30/4 đang đến gần, nhà báo-nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành tâm sự, những ngày tháng làm phóng viên mặt trận đầy vất vả, gian khổ, hy sinh song với ông đó mãi là niềm tự hào trong cuộc đời làm nghề mà ông đã chọn đi suốt 60 năm qua./.