Ngày 29/5, theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc gặp ông Macron tại Cung điện Versailles, nhân khai mạc một cuộc triển lãm về Sa hoàng Nga Pierre Đại đế. Cuộc triển lãm – thành quả hợp tác nghiên cứu giữa hai nước – và đặc biệt cuộc gặp giữa hai Tổng thống Putin và Macron là những dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ Nga Pháp đang căng thẳng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 29/5. (Ảnh: Getty) |
Lời mời từ Tổng thống Macron
Lời mời được Tổng thống Pháp Macron đưa ra hôm 18/5, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, trong đó đích thân ông Macron nhấn mạnh: “Bất luận có những khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt”.
Cuộc triển lãm mang ý nghĩa biểu tượng, kỷ niệm 300 năm ngày mở Đại sứ quán Nga tại Pháp, nhờ chính sách của Sa hoàng Pierre Đại đế của Nga muốn hợp tác với châu Âu. Báo chí Pháp đánh giá đây là cơ hội không thể tốt đẹp hơn, để thúc đẩy trở lại mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước, do các vấn đề Ukraine và Syria. Cũng chính do căng thẳng đó, tháng 10/2016, ông Putin đã hủy chuyến thăm Pháp, sau khi Tổng thống Hollande lạnh nhạt tuyên bố sẽ chỉ là chuyến thăm làm việc đơn giản về vấn đề Syria.
So với các ứng cử viên Tổng thống khác, ông Macron là người có quan điểm độc lập nhất với Moscow (so với việc ông Fillon bị tiếng là làm ăn với Nga, còn bà Le Pen thậm chí bị cáo buộc nhận tiền từ Nga). Nói theo phương Tây, ông Macron là ứng cử viên Nga không thích nhất, cộng thêm những cáo buộc về hacker từ Nga tấn công trang web tranh cử của ông Macron càng khiến có những đồn đoán có thể quan hệ Nga Pháp sẽ căng thẳng khi ông Macron trúng cử. Nhưng thực tế cho thấy rõ ràng Tổng thống Macron là người có tư duy mới, cởi mở về quan hệ quốc tế.
Nhìn lại xuyên suốt chính sách với các thời Tổng thống trước, Tổng thống Macron tiếp tục giữ tư duy là nước Pháp có chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây, có xu hướng dẫn dắt trong quan hệ quốc tế.
Cuộc gặp Putin ở Versailles là dấu hiệu tích cực, dù ông Macron không phải thân Nga, nhưng không phải người mang tư tưởng thù địch gì với Nga, cởi mở về quan hệ quốc tế, đề cao hợp tác.
Trở lại đối thoại vì lợi ích hai bên
Trên thực tế, cả phía Nga và EU đều hiểu rằng căng thẳng chỉ gây hại cho cả hai bên. Và trong các nước EU, Đức và Pháp vẫn đi đầu trong việc đứng ra thương lượng với Nga.
Tổng thống Nga Putin lần đầu điện đàm với Tổng thống Pháp Macron
Trước ông Macron, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã là một trong những nhà lãnh đạo tích cực trong quan hệ với Nga. Các thỏa thuận Minks ở Belarus đạt được là nhờ nỗ lực lớn của bộ đôi Merkel - Hollande trong việc đối thoại với ông Putin.
Khác với Mỹ, châu Âu và Nga có không gian sinh tồn chung, nếu đối đầu thì cả hai bên đều chịu thiệt thòi và rủi ro lớn. Nhiều nước nhỏ ở châu Âu luôn nơm nớp lo ngại về an ninh khi quan hệ Nga châu Âu căng thẳng.
Về phía Nga, Nga phải chịu nhiều thiệt hại khi đối đầu với châu Âu, kinh tế bằng 1/2 kinh tế Pháp, sau 3 năm nổ ra khủng hoảng Ukraine, thiệt hại kinh tế của châu Âu do căng thẳng với Nga hầu như không đáng kể, thậm chí được kiểm soát hoàn toàn.
Nếu Nga muốn khai thông bế tắc thì phải xiết chặt quan hệ với hai cường quốc lớn nhất là Pháp và Đức. Bản thân, hai nước này cũng muốn đưa Nga trở lại quỹ đạo đối thoại với châu Âu. Vì không có Nga, Châu Âu cũng không thể giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine. Cần phải gạt sang bên tư tưởng đối đầu thời chiến tranh lạnh, nhìn nhận bối cảnh quốc tế hiện nay là không nước nào có thể một mình giải quyết những khủng hoảng quốc tế. Do đó việc giảm bớt căng thẳng là đều cả hai bên đều mong muốn.
Tuy nhiên, thu hẹp ngay lập tức là điều khó làm một sớm một chiều trong một cuộc gặp, đây trước hết là “bước làm quen” giữa hai nguyên thủ, Ukraine và Syria kéo dài nhiều năm không thể ngay lập tức giải quyết, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng, cũng như còn nhiều vấn đề chi tiết phải thảo luận.Tân Tổng thống Pháp Macron khởi động với tác phong một tổng tư lệnh
Tổng thống Macron – Người tiếp theo có thể đối thoại?
Trước đây, trong các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Putin chỉ đánh giá cao bà Merkel thậm chí bà Merkel được coi là người duy nhất nói chuyện được với ông Putin. Việc ông Macron có thể trở thành người đối thoại tiếp theo của ông Putin cũng là diễn biến tích cực, nhưng cũng không có gì bất thường, cũng là điều dễ hiểu và cần làm. Nga và Pháp là hai quốc gia quan trọng trong Hội đồng Bảo an, cần có sự đối thoại, phối hợp vì lợi ích của cả hai bên.
Có một số quan điểm cho rằng ông Putin có thể sử dụng chính sách thắt chặt quan hệ với Pháp để phá vỡ thế bao vây của EU với Nga. Tuy nhiên, vì ông Macron là người ủng hộ mạnh mẽ sự gắn kết trong châu Âu, hăng hái nhất trong việc xây dựng một châu Âu vững mạnh nên việc qua con người ông Macron để gây phá vỡ chính sách chung của EU cũng là điều không dễ làm.
Mặc dù là một tín hiệu tích cực, song theo Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Pháp IFRI Thomas Gomart, hai bên đã mất lòng tin khá lớn, nên việc khôi phục lại nhanh chóng là điều rất khó khăn.
Chuyến thăm Pháp sắp tới được ví như “tiếng vang” dội lại từ chuyến thăm năm 2001- khi đó, ông Putin từng nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo EU rằng châu Âu là “đối tác tự nhiên” của nước Nga./.