Tuy nhiên động thái này cũng dự báo một giai đoạn khủng hoảng mới tại Thổ Nhĩ Kỳ, 2 tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua xác nhận các lực lượng bộ binh đặc nhiệm của nước này đã vượt qua biên giới vào khu vực phía Bắc Iraq để truy đuổi các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd. Động thái này diễn ra sau khi có thêm các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

bo_axkc.jpg
Bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào lãnh thổ Iraq trong chiến dịch truy quét các phần tử người Kurd. (ảnh: Turkishweekly)

Các nguồn tin chính phủ cho biết, đã có ít nhất 30 binh sỹ và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong hai vụ đánh bom riêng rẽ do các tay súng người Kurd tiến hành trong ba ngày qua  nhằm vào các khu vực giáp giới với Armenia, Iran. 

Từ cuối tuần qua, các máy bay chiến đấu F16 và F4 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành không kích những mục tiêu được xem là sân sau của nhóm nổi dậy đảng Công nhân người Kurd tại khu vực rừng núi phía Bắc Iraq. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ đây chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm ngăn chặn các tay súng PKK chạy thoát.

Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên chứng kiến sự thâm nhập của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Iraq kể từ năm 2011, cho thấy quyết tâm của nước này truy quét tới cùng các nhóm nổi dậy người Kurd như từng làm trong những năm 1990. Trong một phát biểu khá mạnh mẽ, Tổng thống Thổ Nhĩ  Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua cam kết sẽ không để tương lai đất nước rơi vào tay “những kẻ khủng bố” và khẳng định một chiến lược chống khủng bố mới sẽ sớm được thông qua.

 “Tình  hình bạo lực  thời gian vừa qua là rất đáng lo ngại. Tôi hi vọng một  chiến lược mới sẽ sớm được thông qua trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống khủng bố với quyết tâm cao nhất” ông Erdogan nói.

Cùng ngày, trong một buổi lễ tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng trong các vụ tấn công của nhóm nổi dậy đảng Công nhân người Kurd, Thủ tướng  Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này khi tuyên bố sẽ buộc tất cả những kẻ gây ra hành động khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm.

Tình trạng bạo lực leo thang trở lại giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nổi dậy người Kurd đã  phá vỡ các cuộc hòa đàm được khởi động từ giữa năm 2012 nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài  hơn 2 thập kỷ qua và đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 40 nghìn người.

Nhiều nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một cuộc nội chiến, nhất là trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 11 tới và diễn biến những ngày qua đã kéo theo sự gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng người tại Thổ Nhĩ Kỳ, với người Kurd chiếm tới 20% dân số.

Ngoài ra cũng cần phải nói rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng căng thẳng hiện nay là việc  chính phủ nước này quyết định tham gia liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) tại Iraq, kết hợp với tấn công các lực lượng người Kurd ở khu vực biên giới.

Theo hãng tin Reuters hôm qua đám đông người ủng hộ chính phủ đã tấn công trụ sở đảng đối lập ủng hộ người Kurd Dân chủ Nhân dân (HDP) tại thủ đô Ankara và hơn 100 tòa nhà của đảng này tại ít nhất 6 thành phố khác.

Tại thành phố Istanbul lớn nhất nước, nhiều người biểu tình ủng hộ chính phủ cũng tấn công văn phòng của nhật báo Hurriyet và phá vỡ các cửa sổ để cáo buộc tờ báo đã trích dẫn sai lời của Tổng thống Erdogan trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Davutoglu đã phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và cho rằng hành động tấn công các hãng truyền thông hay các đảng phái chính trị là không thể chấp nhận.

Chính phủ Mỹ hôm qua dù khẳng định sự ủng hộ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng nhấn mạnh điều quan trọng đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nổi dậy Đảng Công nhân người Kurd là phải nối lại tiến trình hòa bình nhằm đi tới một giải pháp hòa bình, tránh nguy cơ đẩy đất nước vào một giai đoạn bất ổn mới./.