Cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang diễn ra hết sức gay cấn. Cuộc chiến “không tiếng súng” này không chỉ làm tê liệt hoạt động của hầu hết các công sở liên bang và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng triệu người Mỹ mà còn ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại và khả năng thực thi các chiến lược quân sự của cường quốc số một thế giới này.
Vào cuối tuần trước, Nhà Trắng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng tê liệt của Chính phủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thực thi và giám sát các biện pháp trừng phạt chống Iran của Bộ Tài chính Mỹ. Có vẻ như cuộc chiến ngân sách ở Mỹ đang giúp cho Iran trở nên dễ thở hơn.
Cuộc chiến vì ObamaCare
Trong nỗ lực cải cách hệ thống y tế nước Mỹ, ngày 23/3/2010, Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) mà nhiều người vẫn gọi là ObamaCare.
Obamacare sẽ giúp 32 triệu người Mỹ được hưởng dịch vụ y tế (Ảnh: Reuters) |
Hiện tại, nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế.
ObamaCare sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm bởi vì, một khi đạo luật trên hoàn toàn có hiệu lực vào tháng 1/2014, các hãng bảo hiểm sẽ không được quyền từ chối bán bảo hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ em vì lý do họ đã mắc bệnh trước đó, và các công ty có trên 50 lao động phải trả phí cho chính quyền liên bang là 2.000 USD/nhân viên làm việc đủ thời gian.
Với những mục đích tốt đẹp như vậy, lẽ dĩ nhiên ObamaCare nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng Mỹ. Tuy nhiên, tầng lớp những người giàu có và các nghị sỹ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này với lý do nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ.
Phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện đã liên tục ngăn chặn việc thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2014 và bất cứ dự thảo ngân sách khác trong đó có các khoản chi dành cho ObamaCare. Trong khi đó, Tổng thống Obama và phe Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện vẫn kiên quyết bảo vệ đạo luật này.
Do không có bên nào nhượng bộ nên Quốc hội Mỹ đã không thể thông qua dự thảo ngân sách nào trước ngày 30/9 cho hoạt động của các cơ quan liên bang sau thời hạn chót đó. Do vậy, kể từ đêm 30/9, nhiều công sở liên bang ở Mỹ đã phải đóng cửa.
Mặc dù vậy, phe Cộng hòa vẫn thất bại trong việc làm chệch hướng đạo luật cải cách y tế của chính quyền Obama. Một dấu mốc quan trọng trong việc thực thi Obamacare đó là hôm 1/10, nhiều người chưa được bảo hiểm ở Mỹ đã bắt đầu đăng ký để tham gia bảo hiểm y tế được trợ cấp của Chính phủ.
Tại thời điểm hiện nay, khả năng tìm ra giải pháp nhanh chóng cho vấn đề hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải tạm nghỉ không lương vẫn rất thấp. Các lãnh đạo Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát chỉ đưa ra những nhượng bộ mang tính hình thức và những nhượng bộ như vậy đã nhanh chóng bị bên còn lại bác bỏ.
Iransẽ dễ thở hơn
Trong bối cảnh Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận về các biện pháp để tháo gỡ thế bế tắc về vấn đề ngân sách, không ít người lo ngại cuộc chiến ngân sách có thể ảnh hưởng tới khả năng thực thi các chiến lược quân sự và ngoại giao của Mỹ cũng như vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney (Ảnh: Reuters) |
“Điều này có nghĩa OFAC không thể duy trì các chức năng chủ chốt của cơ quan này”, ông Carney nhấn mạnh. Theo ông Carney, OFAC không thể ban hành các biện pháp trừng phạt mới chống lại các tổ chức và cá nhân hỗ trợ cho chính phủ Iran và Syria hoặc cấp phép cho các tổ chức nhân đạo hoạt động ở những quốc gia này”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Bộ Tài chính Mỹ - cơ quan giám sát các biện pháp trừng phạt chống Iran – đã buộc phải cho gần như tất cả nhân viên của mình tạm thời nghỉ việc không lương trong giai đoạn Chính phủ Mỹ bị đóng cửa.
Cuọc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Iran Rowhani sẽ mở ra giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Iran (Ảnh: AFP) |
Bên cạnh đó, phát biểu trong các cuộc gặp với các nhà ngoại giao khác bên lề Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali (Indonesia), nhà ngoại giao này cũng thừa nhận việc một bộ phận các công sở liên bang ở Mỹ bị ngừng hoạt động có thể sẽ làm chậm việc chi trả cho các hoạt động trợ giúp an ninh cho Iran và hỗ trợ tài chính cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình do Mỹ cầm đầu ở bán đảo Sinai.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Kerry vẫn khẳng định việc một bộ phận các công sở liên bang của Chính phủ Mỹ bị đóng cửa sẽ không làm thay đổi cam kết của Mỹ đối với châu Á hay những nơi nào khác.
Ông nhấn mạnh: “Không có gì có thể làm giảm cam kết của chúng tôi với châu Á, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành các trách nhiệm và cam kết của mình trên khắp thế giới”.
Trong nỗ lực giảm bớt những quan ngại về khả năng thực thi chính sách Iran của Chính phủ Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tuyên bố công việc của văn phòng này là thiết yếu và nhờ đó, các nhân viên của Văn phòng này có thể quay trở lại làm việc.
Trong thời gian gần đây, nhiều phụ tá của Tổng thống Obama đã lên tiếng ca ngợi hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chống Iran của Mỹ và coi đây là nguyên nhân chủ chốt khiến tân Tổng thống Iran Hasan Rowhani phải đồng ý tái khởi động các cuộc thương lượng với Mỹ và các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này. Vì vậy, có khả năng Chính phủ Mỹ sẽ sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề này và khoảng thời gian dễ thở của Iran sẽ kết thúc./.