Ngày 19/2, có thêm nghị sĩ tuyên bố rời khỏi Công đảng đối lập tại Anh sau những bất bình với cách tiếp cận Brexit của lãnh đạo Công đảng ông Jeremy Corbyn. Trước việc một số nghị sĩ Công đảng đứng ra thành lập nhóm riêng, nhiều nghị sĩ lo ngại điều này sẽ làm gia tăng khả năng Thủ tướng Theresa May có thể kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn, mặc dù theo kế hoạch của đảng Bảo thủ, đến 2022 nước Anh mới tiến hành tổng tuyển cử.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. Ảnh: Daily Express |
Chia rẽ trong Công đảng phản ánh sự thất vọng gia tăng đối với việc lãnh đạo Jeremy Corbyn xử lý việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. Các nghị sĩ Công đảng đã nhiều lần gọi ông Corbyn thay đổi chiến lược, bắt đầu chiến dịch cho một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu. Dự kiến sẽ có thêm các nghị sĩ Công đảng thông báo rời khỏi Đảng để đứng ra thành lập nhóm riêng.
Hiện có nhiều lo ngại Thủ tướng Theresa May sẽ khai thác việc chia rẽ trong nội bộ Công đảng để tổ chức tổng tuyển cử sớm, nếu như số nghị sĩ tách khỏi Công đảng ngày một gia tăng để thành lập một nhóm chính trị mới. Người phụ trách chính sách tài chính của Công đảng đối lập ông John Mcdonnell kêu gọi các nghị sĩ cân nhắc thận trọng quyết định của mình.
“Rất đáng thất vọng khi các nghị sĩ rời khỏi Đảng. Tất cả những gì họ nêu ra chúng ta đang giải quyết và tôi muốn họ ở lại đảng và hợp tác với chúng tôi để thực hiện các mục tiêu mà chúng ta theo đuổi. Bởi vì sự ủng hộ của các nghị sĩ sẽ mang lại lá phiếu ủng hộ, làm nên sức mạnh cho Công Đảng. Tôi hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì đối thoại để giải quyết bất đồng”, ông Mcdonnell nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với bất bình gia tăng trong chính Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May về Brexit cũng có thể buộc Thủ tướng phải kêu gọi tổng tuyển cử sớm, nếu như số quá bán ủng hộ bà trong đảng bị giảm dần hoặc nếu như các nghị sĩ Bảo thủ xin ra khỏi đảng để gia nhập nhóm chính trị độc lập.
Bất chấp những đồn đoán trên chính trường Anh nhưng Thủ tướng Theresa May dường như đang tập trung nhiều hơn vào nỗ lực để đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra suôn sẻ. Ngày 20/2, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục thực hiện chuyến đi tới Brussels và có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhằm cứu vãn Thỏa thuận Brexit.
Người phát ngôn của Thủ tướng cho rằng, chuyến thăm là một phần trong nỗ lực để nhận được những thay đổi cần thiết giúp Quốc hội Anh có thể thông qua thỏa thuận. Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay cho biết, Anh sẽ đưa ra các đề xuất pháp lí mới với Liên minh châu Âu trong ngày 20/2 và đề xuất có đủ hiệu quả để đảm bảo một thỏa thuận Brexit.
“Chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu trong những ngày sắp tới. Chúng tôi cam kết đảm bảo một thỏa thuận. Điều này nằm trong lợi ích quốc gia, đảm bảo sự chắc chắn trong cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo quyền của các công dân Anh tại EU và ngược lại. Vì vậy, là điều đúng đắn để các bên tiến tới một thỏa thuận- điều mà chúng tôi đang nỗ lực hướng tới và chính phủ cũng có cam kết mạnh mẽ về điều này”, Bộ trưởng Barclay nói.
Với việc chỉ còn 37 ngày nữa là đến thời hạn Anh ra khỏi EU, các quan chức EU cũng khá thận trọng về cơ hội đột phá trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Theresa May. Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Thủ tướng nhưng ông tuyên bố không mong đợi vào sự đột phá. 27 nước thành viên EU hiện vẫn khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận đã nhất trí với Anh, đặc biệt liên quan đến điều khoản chốt chặn.
Trong một dấu hiệu cho thấy viễn cảnh Anh và EU khó có thể đạt được đồng thuận khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, nếu Anh đề nghị trì hoãn ra khỏi EU sau hạn chót 29/3 tới, các nước EU sẽ không phản đối. Tuy nhiên, nếu việc gia hạn này kéo dài đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 tới, Anh sẽ vẫn là một thành viên của khối và các cử tri Anh cũng phải tham gia vào cuộc bầu cử này./.