Nhằm tăng cường trao đổi thương mại với châu Âu, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt tại Serbia, Montenegro hay Macedonia.

tap_can_binh_serbia_ybvb.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (người giơ tay) trong lần thăm một nhà máy ở Serbia năm 2016. Ảnh: Asia Times.

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại các nước Balkan này là nhằm  hiện thực hóa tham vọng phát triển “con đường tơ lụa mới”, tạo thuận tiện cho việc vận chuyển hàng xóa xuất khẩu của nước này.

Trong một bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao, Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic đã chọn Trung Quốc làm điểm đến cho chuyến thăm chính thức nước ngoài cuối cùng của mình trên cương vị người đứng đầu nhà nước (từ 29-31/3), chỉ 3 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này vào hôm nay 2/4. Ông Nikolic cũng được chọn là “công dân danh dự” của thủ đô Bắc Kinh.

Trong khuôn khổ các cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia đã một lần nữa nhắc lại quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước và rộng hơn là toàn bộ khu vực Balkan.

“Cách đây vài tháng, Ngân hàng Trung Quốc đã mở chi nhánh tại Belgrad, điều này có nghĩa là Trung Quốc coi chúng tôi là một đối tác quan trọng có thể hợp tác tài chính trực tiếp với Trung Quốc. Cùng với đó, điều này cũng có nghĩa là nhiều chương trình hơn có thể được hỗ trợ tài chính và vốn. Chúng tôi hiện nay đang có các cuộc thảo luận thường xuyên về các dự án hợp tác”.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn không ngừng mở rộng và tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2014, Trung Quốc đã thành lập một quỹ hợp tác theo đó sẽ đầu tư 10 tỷ euro tại Trung và Đông Âu.

Năm 2016, Công ty nhà nước Trung Quốc Everbright đã mua lại sân bay Tirana, ở Albania. Ngân hàng Xuất- Nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) cũng đang tài trợ dự án xây dựng tuyến đường cao tốc nối Macedonia và Montenegro, trong khi tại Serbia, Tập đoàn cầu đường Trung Quốc đã xây dựng cây cầu Pupin bắc qua sông Danube, ở thủ đô Belgrad. Khánh thành năm 2014, cây cầu được xem là biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc-Serbia có tổng trị giá 170 triệu euro, trong đó 85% là được tài trợ thông qua một khoản vay của Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự án có ý nghĩa biểu tượng cao nhất là việc xây dựng tyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Athens (Hy Lạp) với thủ đô Budapest (Hungary) chạy qua Macedonia và thủ đô Belgrad (Serbia). Nút thắt Budapest-Belgrad dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 6 tới. Dự án được tài trợ bởi những khoản vay “mềm” từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc và do Tập đoàn Xây dựng Đường sắt nhà nước Trung Quốc (CRCC) thực hiện và về lâu dài, tuyến đường này sẽ cho phép thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc từ các cảng của Hy Lạp tới thị trường châu Âu.

Đây là công trình phản ánh “bộ mặt đang thay đổi” trong mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Trung và Đông Âu, đồng thời giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường Tây Âu nhiều hơn trong cả lĩnh vực thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng.

Theo các nhà phân tích, tất cả những dự án này đều nhằm hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc mở rộng “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) vào châu Âu thông qua các tuyến đường bộ. Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc phải đi rất lâu mới tới các thành phố trong lục địa châu Âu. Song với tuyến đường sắt cao tốc này thì hàng hóa của Trung Quốc có thể được vận chuyển trực tiếp từ kênh đào Suez tới thẳng Hy Lạp và vận chuyển qua các nước Trung và Đông Âu bằng tàu hỏa tới thẳng Tây Âu, tổng thời gian vận chuyển ước tính giảm từ 30 xuống còn 20 ngày.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có sự liên kết chặt chẽ với các nước dọc theo tuyến đường này nhờ vào hợp tác kinh tế và thương mại hiện có. Tuy nhiên, nước này cũng hy vọng sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông và tạo ra các trung tâm kết nối khu vực mới cũng như các cụm khu công nghiệp khổng lồ. Các nhà chức trách Trung Quốc coi cơ sở hạ tầng giao thông này là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra một "hành lang kinh tế" Á-Âu, theo đó cho phép sự hội nhập trong tương lai của các nước này với các thị trường châu Âu và châu Á.  

Đối với Trung Quốc, “Con đường Tơ lụa mới” chính là một công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nội địa quan trọng./.