Dù diễn ra chỉ 2 ngày sau quyết định gây tranh cãi của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), song các quan chức Nga và Mỹ đều cố gắng không đẩy vấn đề đi quá xa và tìm kiếm tiếng nói chung trong những vấn đề quan tâm khác.

bolton_putin_apyq.jpg
Ông Bolton gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Sau một loạt cuộc thảo luận được đánh giá là “rất toàn diện và hiệu quả”, trong đó có cuộc gặp kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã biện minh cho quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung khi gọi đây là “một hiệp ước song phương của Chiến tranh Lạnh trong một thế giới đa cực”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thậm chí còn nêu Triều Tiên và cả Trung Quốc ra làm dẫn chứng khi cho rằng, một số nước đang sản xuất tên lửa tầm trung và tên lửa có cánh tạo ra tình huống không cân bằng cho cả Mỹ và Nga khi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung không còn là thỏa thuận độc quyền, bao trùm như trước đây.

 “Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận dài về các vấn đề kiểm soát vũ khí, cảnh quan chiến lược mới và quyết định mới đây của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung” – ông Bolton cho biết. “Đó là một hiệp ước song phương của thời kỳ Chiến tranh Lạnh liên quan tới tên lửa đạn đạo được đặt trong một bối cảnh chiến lược lớn là một thế giới đa cực.”

Có thể thấy lập trường của chính quyền Mỹ đã mềm mỏng hơn so với cách đây chỉ 2 ngày khi mạnh mẽ chỉ trích Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự đổ vỡ của văn kiện.

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Hiệp ước không có sự tham gia của các nước khác và hiện nay chỉ có một nước duy nhất chịu sự ràng buộc của Hiệp ước, chính là Mỹ. Vì thế, việc Mỹ rút khỏi văn kiện sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống an ninh toàn cầu cũng giống như việc Mỹ rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2001.

Cùng với việc tránh làm leo thang căng thẳng liên quan đến quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung, Mỹ và Nga cũng tìm cách khỏa lấp khi cố gắng tìm kiếm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề nóng hiện nay.

“Có rất nhiều vấn đề trong thế giới ngày nay mà chúng ta có thể giải quyết với nỗ lực chung” Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh. “Đó là thực tế cả đối với các vấn đề chiến lược về ngăn chặn vũ khí hạt nhân, cũng như tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các cuộc xung đột.”

Ngay từ khi bắt đầu cuộc gặp với ông John Bolton, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Mỹ và Nga tiếp tục đối thoại trực tiếp và tìm kiếm điểm tương đồng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có Hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan, hồi tháng 7 vừa qua. Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước vì đã tỏ ra quá hòa giải với người đồng cấp Nga.

Về phần mình, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, dù được biết đến là một người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, song cũng cho thấy lập trường khá cởi mở với Nga khi khẳng định, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 không thể chịu sự tác động từ sự can dự của Nga. Đây là vấn đề gây căng thẳng quan hệ Nga-Mỹ thời gian qua.

Liên quan vấn đề Syria, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định mong muốn của nước này tránh một thảm họa nhân đạo tại Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria. Chia sẻ quan điểm cho rằng thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập một vùng phi quân sự tại Idlib là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột và khôi phục đàm phán chính trị, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng cho biết, Nga và Mỹ đã nhất trí khôi phục cuộc đối thoại về cuộc chiến chống khủng bố vào tháng 12 tới./.