Trái với những lời đồn đoán của dư luận, Thủ tướng Tsipras không hề đề nghị Nga hỗ trợ tài chính và Nga cũng không công bố đưa Hy Lạp ra khỏi danh sách các nước bị áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chuyến thăm đầy bất ngờ của ông Tsipras tới Nga cũng khiến châu Âu không khỏi “giật mình”.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Hy Lạp đã không đề nghị Nga trợ giúp về tài chính để giải quyết vấn đề nợ công. Ông cũng bác bỏ những lời đồn đoán cho rằng, Nga đang “nịnh” Hy Lạp nhằm chia rẽ châu Âu và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã đề nghị hợp tác với Hy Lạp trong vấn đề năng lượng và công nghiệp, trong đó có đề xuất mở rộng đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp, xem đây là một bước đi góp phần tăng cường uy thế của Hy Lạp trong khu vực và thế giới cũng như hỗ trợ Hy Lạp dành được hàng trăm triệu đô la từ khoản tiền quá cảnh đường ống dẫn.
Và dù không tuyên bố đưa Hy Lạp ra khỏi danh sách các nước Liên minh châu Âu bị áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm vào Nga, song ông Putin lại đề nghị thành lập một công ty liên doanh nông nghiệp với Hy Lạp để Hy Lạp có thể nối lại hoạt động xuất khẩu thực phẩm vào Nga.
Tổng thống Putin nói: “Hy Lạp đã buộc phải bỏ phiếu trừng phạt Nga và các biện pháp trả đũa Liên minh châu Âu rõ ràng là đã tác động mạnh tới nền kinh tế Hy Lạp song đây không phải là lỗi của chúng tôi. 50% hàng hóa nhập khẩu từ Hy Lạp vào thị trường Nga bao gồm các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi không thể cư xử theo cách khác được. Chúng tôi không thể đưa ra ngoại lệ cho một quốc gia trong Liên minh châu Âu”.
Về phần mình, Thủ tướng Tsipras cũng tái khẳng định quan điểm của Hy Lạp phản đối việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Nga trong năm ngoái và kêu gọi châu Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông Tsipras nhấn mạnh, chuyến thăm của ông tới Nga không phải là “sự đối đầu” với phương Tây và Hy Lạp có quyền được phát triển một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga.
Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền, trong đó có quyền không cần qua đàm phán khi theo đuổi một chính sách ngoại giao đa diện và năng động. Hy Lạp cam kết thực thi các thể chế quốc tế song không có nghĩa là Hy Lạp sẽ buộc phải theo đuổi một chính sách ngoại giao không có lợi cho người dân Hy Lạp.
“Khủng hoảng tài chính không phải là vấn đề của Hy Lạp mà là của cả châu Âu. Một khi đó là vấn đề của châu Âu thì cần có giải pháp của cả châu Âu. Tôi cũng nhắc lại, Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền có quyền được khai thác và tiến tới các thỏa thuận một cách năng động nhằm mang lại lợi ích cho người dân Hy Lạp. Chính vì những thỏa thuận đó mà chúng tôi có mặt ở đây và để thảo luận về chúng”, ông Tsipras nói.
Theo đánh giá của giới phân tích, những tuyên bố trên của Hy Lạp và Nga cho thấy, chuyến thăm Nga của ông Tsipras dù mang tính hình thức nhiều hơn là nội dung song đó lại là những lời cảnh báo đối với liên minh châu Âu.
Dù cả Hy Lạp và Nga chưa ký được bất cứ thỏa thuận nào sau hội đàm giữa Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và Tổng thống Nga Putin, song những cam kết mà Tổng thống Putin đề nghị với Hy Lạp cũng như sự ủng hộ của Hy Lạp đối với Nga có thể vừa giúp Hy Lạp khôi phục kinh tế, vừa giúp Hy Lạp củng cố vị thế trên trường quốc tế và nhất là trong các cuộc thương thảo với các chủ nợ để giải quyết vấn đề nợ công của Hy Lạp./.