1. Triều Tiên ra tối hậu thư và huy động hàng chục tàu ngầm
Loa phóng thanh tuyên truyền của Hàn Quốc ở khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: EPA. |
Mọi chuyện bắt đầu khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đã cài mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Khi Triều Tiên phủ nhận cáo buộc này, Hàn Quốc đã cho thiết lập hệ thống loa phóng thanh ở biên giới giữa 2 nước và chĩa sang lãnh thổ Triều Tiên và thực hiện các buổi truyền thanh với nội dung tuyên truyền chống Triều Tiên.
Do “xích mích” này, hai bên đã đấu pháo vào hôm 20/8. Không chỉ vậy, Triều Tiên còn tuyên bố trình trạng gần như chiến tranh, điều pháo và huy động tàu ngầm, đồng thời ra tối hậu thư yêu cầu Hàn Quốc phải dừng ngay các buổi truyền thanh nói trên trước cuối buổi chiều ngày 22/8.
Hàn Quốc ban đầu đã thách thức tối hậu thư nói trên, khẳng định họ tiếp tục bắc loa tuyên truyền và sẵn sàng đáp trả các hành động từ phía Bình Nhưỡng. Các nhân viên chính phủ Hàn Quốc đã chuyển sang chế độ trực khẩn cấp. Phía Hàn Quốc cũng yêu cầu Triều Tiên đưa ra lời xin lỗi rõ ràng.
Bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng với việc Mỹ tuyên bố điều máy bay B-52 và tàu ngầm hạt nhân đến các căn cứ ở Hàn Quốc. Một số nhà phân tích thậm chí nhận định, đợt căng thẳng lần này khác với các lần trước và có thể làm nổ ra chiến tranh.
Nhưng rất may cả hai phía đều ý thức hậu quả thảm khốc nếu để chiến tranh nổ ra nên họ đã chủ động “xuống nước” để tháo ngòi nổ. Triều Tiên đã ra tuyên bố “lấy làm tiếc” về việc rải mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong khi đó, Hàn Quốc cam kết chấm dứt tuyên truyền bằng loa phóng thanh sang biên giới Triều Tiên.
Sau 3 ngày đàm phán, rạng sáng 25/8 Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận 6 điểm mang tính đột phá nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền
Theo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thỏa thuận trên đạt được là “nhờ sức mạnh quân sự tuyệt đối cùng với khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân cũng như sự đồng lòng nhất trí của Đảng và nhân dân Triều Tiên”.
Không chỉ hạ nhiệt căng thẳng, Hàn Quốc còn xem xét việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Triều Tiên, và đề nghị tổ chức đối thoại về vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh liên Triều.
2. Mỹ rúng động vì vụ bắn chết nhà báo khi đang phỏng vấn
Cảnh nổ súng trong clip do chính nghi phạm quay. Ảnh: Facebook. |
Vẫn biết nghề báo là nghề nguy hiểm nhưng vụ hai nhà báo Mỹ bị bắn chết mới đây khi hai người đang tham gia truyền hình trực tiếp vẫn gây chấn động mạnh do sự việc diễn ra ngay trên ti-vi trước sự theo dõi của khán giả.
Không chỉ vậy, vụ việc đã một lần nữa rung lên hồi chuông báo động về tình trạng sở hữu vũ khí trong dân chúng Mỹ. Nhà Trắng đã lên án vụ tấn công và kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Vụ việc cũng một lần nữa khía vào một vấn nạn của xã hội Mỹ - đó là tình trạng phân biệt chủng tộc. Nghi phạm vụ nổ súng là một người da đen và anh ta cho biết mình bị người da trắng trù dập.
>> Xem thêm: Kinh hoàng giây phút hung thủ chĩa súng bắn thẳng vào nhà báo
3. Người nhập cư biến thành các thi thể thối rữa
Người tị nạn chết ngạt trong chiếc xe lạnh bị bít lỗ thông hơi. Ảnh: AFP. |
Trong các tháng vừa qua, giới chức các nước châu Âu liên tiếp đau đầu vì vấn nạn di cư trái phép sang các nước đó trong cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuần qua, lại có thêm nhiều sự kiện gây sốc liên quan đến nạn đưa lậu người sang châu Âu này.
Giới chức Italy phát hiện chiếc thuyền chứa thi thể 55 người di cư. Ở Áo người ta phát hiện 70 xác chết đang trong giai đoạn phân hủy ở bên thùng một chiếc xe tải. Những người này chết do bị lèn chặt dẫn đến ngộp thở. Hành trình nhập cư châu Âu trở thành hành trình chết của những người di cư.
Trong vụ xe tải ở Áo nói trên, có cả một đường dây buôn người sự móc nối giữa Bulgaria và Hungary, thông qua một cơ cấu tội phạm có tổ chức. Các lớp cách âm ở hai bên chiếc xe tải gần như bít kín thùng xe. Có khả năng hệ thống điều hòa không khí đã bị tắt và cửa thông gió trên nóc xe cũng bị đóng kín, khiến người trên xe bị chết ngạt”.
>> Xem thêm: Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan: EU đối mặt với sức ép nhập cư
4. Nhiều nước từ chối lời mời của Trung Quốc dự lễ duyệt binh
Đội hình các nữ quân nhân Trung Quốc diễu hành qua tấm pano có hình Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi tập luyện hôm 23/8. Ảnh: Sputnik. |
Trung Quốc sắp tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng chưa từng có của nước này vào ngày 3/9 để kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ 2.
Lời mời đã được Trung Quốc phát đi, nhưng có khá nhiều nước bao gồm cả Triều Tiên từ chối tham dự.
5. Phương Tây tiếp tục điều động binh lực gây sức ép với Nga
Binh sĩ NATO tham gia diễn tập tại Gruzia. Ảnh: AP. |
NATO ngày 27/8 thông báo mở một trung tâm huấn luyện tại Gruzia (một quốc gia thuộc Liên Xô trước đây), châm ngòi căng thẳng với Nga.
Ngoài ra, ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết Mỹ sẽ triển khai các vũ khí hạng nặng tới quốc gia Đông Âu này vào năm 2016. Cùng với Ba Lan, Mỹ cũng sẽ triển khai xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các loại vũ khí cùng khoảng 5.000 binh sĩ tới một số quốc gia vùng Baltic và Đông Âu.
Trong khi đó, Ukraine đã điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông để chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn trong đêm trước Ngày Độc lập của nước này (24/8).
Trong số các xe thiết giáp được đưa đến miền Đông có cả 25 chiếc xe tăng, bao gồm BM "Bulat", T-64BV và T-72, cùng với hệ thống phóng rocket Grad, các loại tên lửa phòng không, hệ thống chống tăng Stugma, các loại pháo chống tăng và pháo tự hành cùng nhiều xe quân sự Hammer.
6. Đột phá mới trong truy tìm hung thủ vụ đánh bom Bangkok
Chân dung phác họa nghi phạm đánh bom đền Erawan ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát Thái Lan đã xác định được vân tay của nghi phạm vụ đánh bom Bangkok tối 17/8 qua tờ tiền mà người này trả cho tài xế tuk-tuk.
Straitstimes đưa tin cảnh sát Thái Lan đã có kết quả ADN và vân tay của nghi phạm đánh bom đền Erawan ở Bangkok thông qua tờ tiền và những dấu vết người này để lại trên xe tuk tuk và taxi.
7. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm chống IS
Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/8. Ảnh: Reuters. |
Vốn có thái độ lừng khừng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ rõ quyết tâm và tinh thần hợp tác trong cuộc chiến trong IS.
Ngày 25/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo, nước này và Mỹ đã kết thúc "các cuộc thảo luận kỹ thuật" về các chiến dịch quân sự chung và ký kết một thỏa thuận toàn diệnchống nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia các cuộc không kích cùng với liên minh nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo.
8. Trình diễn hàng không biến thành thảm họa đường bộ
Máy bay rơi xuống đường cao tốc (có cây xanh hai bên), tạo ra một quả cầu lửa lớn. |
Tuần qua, một chiếc máy bay Anh rơi vào đường cao tốc khiến 20 người dưới đất tử nạn (theo con số mới nhất hiện nay).
Chiếc phản lực quân sự Hawker Hunter (từ thời Chiến tranh Lạnh) gặp nạn trong lúc tham gia cuộc trình diễn hàng không ở Sussex, miền đông nam nước Anh.
Tất cả những người thiệt mạng đều ở trên đường cao tốc A27 đông người. Con đường chạy gần sân bay Shoreham ở Sussex.
Điều kỳ lạ là bản thân phi công lại thoát chết dù rơi vào tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, những người tử vong đa số là tài xế xe hơi đang đi trên đường hoặc những người dân đến theo dõi cuộc trình diễn bay nhào lộn của phi cơ.
Chiếc máy bay phản lực vừa thực hiện một cú nhào lộn thì bị cắm mũi lao xuống đất.
Buổi trình diễn hàng không chuyên về các máy bay quân sự cổ. Nhà tổ chức sự kiện cho biết phần còn lại của chương trình đã bị hủy.
Vụ việc đã tạo ra tranh cãi trong người dân Anh về an toàn hàng không và về địa điểm tổ chức trình diễn hàng không./.