Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc các động thái phản ứng của mình trước vụ chiến đấu cơ Su- 24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Chọn cách phản ứng nào có lợi hay “đem dây buộc mình” là những điều đang được toan tính.

tho_1_pqvk.jpg
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sau khi chiến đấu cơ Su 24 của Nga bị bắn hạ (Ảnh CBS News).

Nguồn thu từ du lịch

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo người dân Nga không nên đi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đơn thuần vì lý do an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón khoảng 3,3 triệu du khách Nga trong 9 tháng đầu năm nay và gần 4,5 triệu du khách Nga trong năm 2014. Sputnik News cho biết, đóng góp trực tiếp của khách du lịch Nga vào GDP của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014 được ước tính khoảng 4 tỷ USD, tương đương với 0,5% GDP. Vì thế, nếu người Nga ngừng hoàn toàn các chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó sẽ dẫn đến những tổn thất rất lớn.

Ngay thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000 người Nga đang đi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm đến này rất có thể sẽ sớm bị "đóng cửa", Bloomberg dẫn lời Irina Turina, người phát ngôn báo chí của Liên minh du lịch Nga, cho biết qua điện thoại. Cơ quan Du lịch Liên bang Nga đã kêu gọi các công ty du lịch dừng các tour tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) trở thành hãng nước ngoài lớn nhất phục vụ Nga hồi tháng 9 và dự kiến ​​sẽ chuyên chở hơn 1 triệu hành khách trên các tuyến bay của Nga trong năm nay, theo phân tích của Bloomberg Intelligence. Công ty đã tăng chuyến bay đến Nga hơn 16% trong năm 2015.

Tổng thống Nga Putin mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi vì vụ bắn rơi máy bay (Ảnh CBS).

Phụ thuộc Năng lượng

Theo Gazprom, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu, khoảng 27 tỉ mét khối vào năm 2014. Phần lớn lượng khí đốt này được chuyển qua đường ống nằm sâu dưới Biển Đen, được gọi là Blue Stream (Dòng chảy Xanh), và phần còn lại thông qua Ukraine và các nước vùng Balkans.

Trà lời phỏng vấn Bloomberg qua điện thoại, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky nói rằng việc cung cấp khí đốt theo hợp đồng vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện. Song ông từ chối bình luận về triển vọng đàm phán về Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, một dự án đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen mà theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành đường trung chuyển khí đốt xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu .

Bloomberg cho biết, Nga cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất thiết kế 4.800 MW tại tỉnh Mersin trên bờ biển Địa Trung Hải.

Đe dọa Quân sự?

Tổng thống Nga Putin không hề đe dọa một phản ứng quân sự nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, dù thế ông vẫn có thể tấn công gián tiếp vào các lợi ích của nước này. Nga có mối quan hệ với nhóm người Kurd ở Syria và Iraq và có thể trang bị vũ khí cho họ. Nước này cũng có thể chống lại đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan và ủng hộ Armenia trong cuộc tranh chấp trên vùng Nagorno-Karabakh. Căng thẳng vì thế có thể bùng phát dọc theo biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia.

Thực tế, hôm 25/11 Nga đã tăng cường “dội bom” xuống khu vực mà chiến đấu cơ Su24 của nước này bị bắn hạ, bất chấp việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu kêu gọi ngừng ném bom nhóm phiến quân "những người anh em Turk của Syria" ở đó. Sputnik News cho biết, Nga cũng đang tăng cường hiện diện quân sự tại Syria với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Tuy nhiên, một cuộc đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "vô lý và không thể được chấp nhận", ông Frants Klintsevich, Phó Trưởng ban quốc phòng trong Thượng viện Nga, cho biết. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ NATO có thể phải can dự nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của khối này. Đó sẽ là một cuộc đối đầu không bên nào mong muốn, Bloomberg dẫn lời ông Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga cho biết.

Thương mại Đầu tư

Bloomberg dẫn số liệu của IMF cho biết, Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ sau Đức. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhập siêu lên tới 25 tỷ USD hàng hóa các loại từ Nga.

Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ là 755 triệu USD trong năm nay, Bloomberg dẫn lời ông Charlie Robertson, Trưởng ban Kinh tế toàn cầu tại Tập đoàn tài chính Renaissance. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào Nga ít nhất là 55 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2015.

Cả hai quốc gia đều "có nhiều thứ để mất nếu leo thang căng thẳng", đặc biệt là về thương mại, Tim Ash, người phụ trách chiến lược tín dụng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Tập đoàn Tài chính quốc tế Nomura (Nomura International Plc), nói với Bloomberg qua email. "Nhưng hiện nay các bên đang bị cảm xúc chi phối và một bên cần phải kiềm chế".

Gia cầm cũng có thể trở thành nạn nhân đầu tiên trong cuộc đối đầu giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Nga cho biết, việc nhập khẩu gia cầm từ một nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cấm từ ngày 1/12 vì lý do y tế./.