Cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy gồm 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine – một cuộc gặp được mong đợi nhất bên lề Hội nghị An ninh Munich, Đức, nhằm thảo luận về tình hình xung đột đang nóng ở Đông Ukraine, đã không diễn ra như dự kiến. 

ngoai_truong_bo_tu_gllv.jpg
Các ngoại trưởng của nhóm Bộ tứ Normandy trong giai đoạn trước đây. Ảnh: Sputnik.

Những mâu thuẫn trong quan điểm giữa các nước về tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận Minsk 2 đã khiến cho cuộc gặp này không thành hiện thực.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu – OSCE kỳ vọng Cuộc gặp của nhóm Bộ tứ Normandy sẽ được tổ chức ngay bên lề của Hội nghị An ninh Munich, Đức. Tuy nhiên, nó đã không diễn ra như dự kiến.

Ông Thomas Greminger, Tổng thư ký của OSCE đã rất thất vọng khi Bộ tứ Normandy đã không tìm được tiếng nói chung. Ông khẳng định, thời điểm hiện tại rất cần một cuộc họp hoạch định rõ kế hoạch của nhóm Bộ tứ Normandy để chấm dứt cuộc khủng hoảng dai dẳng ở miền Đông Ukraine.

“Vi phạm ngừng bắn vẫn tiếp diễn. Điều này phải dừng lại”, ông nói. “Điều mà chúng tôi cần là một động lực chính trị khác. Tôi mong muốn được nhìn thấy Đức một lần nữa đảm nhận vai trò lãnh đạo, lý tưởng cùng với Pháp, và tôi nghĩ chúng ta đã có cơ hội để phái đoàn Nga và Ukraine cùng tham gia”.

Cơ hội mà ông Greminger đề cập tới đã bị bỏ lỡ. Cuộc gặp của Bộ tứ Normandy không diễn ra như dự kiến đã cho thấy những bất đồng nghiêm trọng trong quan điểm giữa Nga và các nước phương Tây. Trước khi diễn ra Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Nga Serget Lavrov cho biết đã sẵn sàng cho cuộc gặp 4 bên. Tuy nhiên, cả Đức, Pháp và Ukraine đều không mặn mà với ý tưởng này. 

Thậm chí, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Đức Sigma Gabriel tuyên bố châu Âu có thể duy trì các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu Nga tiếp tục thực hiện ý tưởng về triển khai lực lượng hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Donbass.

“Ý tưởng về một sứ mệnh giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Donbass là một thách thức vô cùng lớn. Và tôi biết rằng vẫn tồn tại một sự khác biệt lớn trong việc thực hiện các ý tưởng này giữa châu Âu với Nga. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ các cuộc đối thoại giữa châu Âu với Nga và Ukraine. Chúng tôi sẽ xem xét giảm các biện pháp trừng phạt nếu Nga cam kết thực hiện đúng các điều khoản của Thỏa thuận Minsk, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực miền Đông”.

Mỹ và châu Âu muốn Nga phải “xuống nước” trong việc chấp thuận để lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và của OSCE có thể cùng tham gia giám sát diễn biến ngừng bắn ở khắp lãnh thổ Donbass, bao gồm cả phần không kiểm soát hiện nay của Ukraine trên biên giới Nga.

Trong khi phía Nga đưa ra yêu cầu bắt buộc phải có thỏa thuận giữa phía Chính phủ Ukraine với Chính phủ hai quốc gia tự xưng Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, các bên chưa bước vào các cuộc đàm phán thì cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trước đó đã đồng ý tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi có thể đạt được một lệnh ngừng bắn ở phía Đông Ukraine, với sự giúp đỡ của các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, NATO ủng hộ các biện pháp tăng cường lực lượng sát biên giới Nga bất chấp sự phản đối của Moscow.

Chính những tuyên bố “tiền hậu” bất nhất này của phía châu Âu và Mỹ đã là trở ngại chính cho các cuộc đàm phán với Nga. Đối thoại Bộ tứ Normandy, vốn là nền tảng để thực hiện cơ chế giám sát hòa bình ở miền Đông Ukraine, đáng lẽ cần phải được củng cố hơn nữa thì lại bị chính các quốc gia châu Âu, Đức và Pháp bỏ rơi về mặt trách nhiệm.

Nguy cơ tan rã của Nhóm đang hiện hữu và trở thành dĩ vãng khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung. Trước sự trì hoãn, lảng tránh của Bộ tứ Normandy, thì quá trình đàm phán, duy trì hòa bình ở Donbass chắc chắn sẽ phải chờ đợi thêm nhiều thời gian nữa./.