Ngày 14/11, Nghị viện Anh bắt đầu tiến hành thảo luận dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là dự luật Brexit. Mục đích chính của dự luật Brexit là đưa những quy định của EU vào trong bộ luật của nước Anh, nhằm đảm bảo việc Anh rút khỏi EU sẽ diễn ra nhịp nhàng, không gây xáo trộn mạnh.

bieu_tinh_truong_nghi_vien_anh_pcdm.jpg
Người ủng hộ Anh ở lại EU biểu tình trước Nghị viện Anh. (Ảnh: Reuters)

Các nghị sĩ sẽ thảo luận tới 470 điểm đề nghị sửa đổi, dài 186 trang, trước khi dự luật Brexit được thông qua thành luật. Trong ngày đầu tiên, các nghị sĩ thảo luận trong 8 tiếng liên tục về việc làm sao có thể diễn dịch được những điều luật của EU mà nước Anh đã thực thi để đưa vào trong luật của Anh, cũng như vai trò của Tòa án tối cao EU.

Tại phiên họp đầu tiên này, vấn đề Thủ tướng Theresa May muốn đưa thời điểm Anh sẽ rời EU (23h ngày 29/3/2019) ghi cụ thể vào trong dự luật đang vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ đảng bảo thủ và các đảng chính trị khác. Những người này cho rằng như thế là không dân chủ, ép các nghị sĩ chỉ được phép bỏ phiếu lựa chọn: đồng ý hay không, chứ không được phép dừng Brexit hay đề nghị thảo luận lại những thỏa thuận mà chính phủ và EU đã thảo luận xong.

Việc bỏ phiếu cho những điểm mấu chốt của dự luật sẽ không diễn ra trong tuần này, mà sẽ diễn ra trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, những tranh luận trong tháng 11 sẽ làm rõ những vấn đề và những sửa đổi gây tranh cãi mà nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ phải thay đổi.

“Sau cuộc trưng cầu ý dân, chắc chắn rằng đa số họ đều muốn rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng có vẻ như không ai thực sự ý thức đến ý nghĩa thực sự của việc rời khỏi khối là như thế nào về mặt thực tế, luật pháp, chính sách kinh tế, điều kiện kinh doanh và đó chính là nghĩa vụ của chúng ta cần phải trao đổi tại Hạ Viện” - Nghị sỹ Ken Clarke cho biết.

Như vậy, giờ đây, với quyền lực nằm trong tay các nhà làm luật nhiều hơn chính phủ, sau khi đảng Bảo thủ mất đi đa số sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, rất nhiều người, bao gồm cả những người thuộc đảng của bà Theresa May sẽ sử dụng cuộc tranh luận trong các tuần tới để tạo áp lực lên chính phủ.

Điều này khiến cuộc tranh luận về dự thảo Brexit trước Nghị viện trở thành một bài kiểm tra khó khăn hơn bao giờ hết, cũng là phép thử cho khả năng lèo lái nước Anh qua các cuộc đàm phán đầy cam go tới.

Đây cũng là thời điểm cực kỳ quan trọng khi bà May có thể cho các doanh nghiệp lòng tin rằng luật lệ sẽ không thay đổi khi nước này rời EU vào tháng 3/2019.

Mặc dù dự thảo này hoàn toàn tách biệt với cuộc đàm phán tại Brussels, nhưng EU vẫn muốn xem xét những điều lệ nào sẽ được thông qua và năng lực của bà Theresa May sẽ tới đâu trước khi tính tới những phương án tiếp theo. Sau khi thảo luận thông qua tại Nghị viện, dự luật Brexit sẽ được lên Nữ hoàng thông qua để trở thành luật./.