Tuần lễ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bắt đầu trong những ngày qua tại thành phố miền cực Đông của LB Nga, thành phố Vladivostok. Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận và thông qua ở các cấp từ Bộ trưởng đến chuyên viên sẽ được trình lên Hội nghị Thượng đỉnh chính thức bắt đầu từ ngày 8/9.

 

putin-du-apec.jpg
Tổng thống Nga Putin tới thành phố Vladivostok ngày 6/9 dự Diễn đàn APEC (Ảnh: Reuters)

“Liên kết để tăng trưởng, Sáng tạo để thịnh vượng”. Có lẽ, khẩu hiệu mà nước chủ nhà LB Nga đưa ra hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay của toàn cầu và của chính LB Nga.

Phân tích yếu tố này, trong một bài báo của mình, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng, liên kết như là sự bảo đảm để các nền kinh tế APEC cùng tăng trưởng và bởi vậy ý tưởng chủ đạo của Hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok đã được xác định từ trước.

Ông Putin lập luận: “Với đặc thù lịch sử và địa lý độc đáo của mình, nước Nga là một phần không tách rời của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Và sự hội nhập toàn diện vào châu Á-Thái Bình Dương được Moscow xem như chiếc chìa khóa mở lối vào tương lai thành công của đất nước, phát triển vùng Siberia và vùng Viễn Đông.

Điều ông Putin nói không chỉ đúng với nước Nga, một quốc gia rộng lớn với nhiều vùng đất đai còn chưa khai thác hết tiềm năng và hướng tới “liên kết để tăng trưởng”. Việc liên kết cũng sẽ là cơ hội mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động.

Thế giới đang phải đối mặt với không ít thách thức và hệ luỵ từ chính những mối liên kết khu vực và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua ở khu vực này, khu vực kia và cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục đang đặt nhiều dấu hỏi cho tương lai các khối liên kết. Thế nhưng, đó chỉ là “mặt trái của tấm huân chương”.

Không ai có thể phủ nhận sự liên kết kinh tế trong một khu vực, một vùng, thậm chí tiểu vùng đang góp phần tích cực tạo nên những nền kinh tế thịnh vượng hơn, những quốc gia phát triển hơn.... Và chính bởi thế, người ta vẫn đang tiếp tục đi tìm những mô hình, những cơ chế hợp tác linh hoạt và liên kết hiệu quả hơn.

Vị trí địa lý của Liên bang Nga trải dài từ Đông sang Tây. Lợi thế đặc biệt này đã được Nga khai thác và phát huy. Các mục tiêu, ý tưởng thúc đẩy liên kết mà Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 20 đã chọn làm chủ đề còn là tăng cường hơn nữa liên kết giữa các khu vực. Với vị trí địa lý của mình, Nga chính là một cầu nối quan trọng liên kết hai vùng kinh tế lớn Á - Âu.

Cơ sở cho thành công của Hội nghị APEC 2012 cũng như tương lai của APEC là rất khả quan khi Nga đã vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới sau 18 năm chờ đợi; khi Nga đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nhiều tổ chức quốc tế lớn.

Đây còn là cơ hội để nước Nga thể hiện ý thức, vai trò cũng như vị thế địa chính trị của mình./.