Đêm 15/7, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ làm rung chuyển thành phố Istanbul và thủ đô Ankara. Hình ảnh xe tăng và các binh sĩ tiến hành binh biến trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện tràn ngập trên chương trình phát sóng truyền hình khắp thế giới. Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã nhanh chóng bị dập tắt.

Ngay sau khi cuộc đảo chính nổ ra, đám đông dân chúng đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và xuống đường biểu thị sự ủng hộ ông. Nỗ lực nhằm kiểm soát các đài phát thanh, truyền hình nhà nước của lực lượng làm binh biến đã không đạt được. Ông Erdogan - người đang có kỳ nghỉ mát khi cuộc đảo chính nổ ra - đã bay đến Istanbul vào rạng sáng 16/7 và xuất hiện trên truyền hình giữa một đám đông những người ủng hộ bên ngoài sân bay - nơi mà lực lượng làm đảo chính đã không giành được quyền kiểm soát.

Dù cuộc đảo chính quân sự này đã thất bại nhanh chóng nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời, trong đó quan trọng nhất là tại sao quân đội lại quyết định tiến hành đảo chính nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp? Ai đứng đằng sau cuộc đảo chính này?...

gulen_bdcr.jpg
Giáo sĩ Gulen - người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính ngày 15/5 vừa qua. Ảnh: Fox News

Mối quan hệ “đầy rủi ro, nguy hiểm” giữa Erdogan và Gulen

Ngay sau khi cuộc đảo chính bị dập tắt, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức lên tiếng cáo buộc Fethullah Gulen -  một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999 - là người đã dàn dựng và đứng sau cuộc đảo chính này.

Dù ban đầu ông Gulen ủng hộ Tổng thống Erdogan, mối quan hệ của Giáo sĩ này với Mỹ vẫn là “một câu hỏi lớn”. Ngay cả trước khi ông Erdogan nhậm chức, ảnh hưởng chính trị của Giáo sĩ Gulen cũng đã rất lớn. Ông chính là người điều hành các trường học và các viện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, việc ông Gulen cùng một lúc duy trì mối quan hệ thân thiết với cả Mỹ và ông Erdogan không khỏi khiến người ta hoài nghi. Trên thực tế, Nga đã đóng cửa các trường học và các viện do Giáo sĩ này điều hành. Nhiều người cho rằng, việc làm của Nga là do đích thân ông Erdogan yêu cầu riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này cho thấy, ông Erdogan - người vài năm trước còn ủng hộ và thậm chí bảo vệ cho ông Gulen - đã bắt đầu coi Giáo sĩ này là đối thủ đáng gờm.

Theo các nhà quan sát, ông Erdogan có lẽ sẽ không thay đổi cách nghĩ của mình đối với Giáo sĩ Gulen nếu cả hai không cùng tham gia vào cuộc đấu tranh quyền lực ở cấp cao nhất. Ông Gulen được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lực lượng cảnh sát và những người giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản thân Tổng thống Erdogan cũng không hề xem nhẹ nguy cơ của một cuộc đảo chính quân sự hoặc một hành động từ hệ thống tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy không có gì lạ sau cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua, ông Erdogan đã hướng sự chú ý đến việc đổ lỗi cho Giáo sĩ Gulen - người có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp để lật đổ ông.

Cũng cần phải biết rằng, rất lâu trước khi cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua, Giáo sĩ Gulen đã từng lên tiếng về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các con trai của ông Erdogan và các bộ trưởng trong chính quyền của ông. Vào thời điểm đó, Tổng thống Erdogan đã siết chặt việc kiểm soát các phương tiện truyền thông và cố gắng ngăn chặn việc lan truyền trên YouTube và Twitter những tài liệu được cho là bằng chứng về sự dính dáng của các con trai ông và các bộ trưởng trong vụ bê bối tham nhũng.

Tổng thống Erdogan cũng từng công khai cáo buộc Giáo sĩ Gulen chuẩn bị cho một âm mưu đảo chính. Điều này đã khiến ông Gulen phải rời bỏ đất nước và đến sống lưu vong tại bang Pennsylvania, Mỹ . Ông Gulen cũng bị cáo buộc có liên hệ với các cơ quan an ninh của Mỹ và đang tìm cách xây dựng một "cấu trúc song song" trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách nhằm lật đổ chính quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau cuộc đảo chính quân sự ngày 15/7 vừa qua, Giáo sĩ Gulen đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính này. “Là người trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 50 năm qua, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nghiêm trọng khi bị cáo buộc có liên quan đến vụ đảo chính nói trên. Tôi kịch liệt bác bỏ những cáo buộc như vậy”, ông Gulen nói.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường ủng hộ chính quyền của Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính. Ảnh: AFP

Những chính sách gây tranh cãi của ông Erdogan là nguyên nhân đảo chính?

Trong số tất cả các quốc gia có dân số Hồi giáo lớn trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là một quốc gia theo chủ nghĩa thế tục và dân chủ lập hiến. Ở nước này, phụ nữ có quyền bầu cử và được ủng hộ tham gia phát triển xã hội. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quốc gia văn minh, hiện đại nhưng cũng quá khác biệt so với các quốc gia Hồi giáo còn lại.

Tuy nhiên chỉ đến khi ông Erdogan lên nắm quyền Thủ tướng năm 2002 kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu khởi sắc. Bằng việc tư nhân hóa nhiều nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng và các thể chế tài chính nhà nước, ông đã tăng cường năng lực tài chính của chính phủ và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Đối với một đất nước từng trải qua rất nhiều khó khăn về kinh tế và hiện đang trên đà phát triển, tăng dần theo từng năm, người dân cũng dần trở nên quen thuộc với tiêu chuẩn sống cao hơn; đồng nghĩa với nó là sự chỉ trích những chính sách được cho là không dân chủ của chính quyền Erdogan cũng ít đi.

Giới quan sát cho rằng, chừng nào Tổng thống Erdogan còn duy trì một nền kinh tế mạnh, ông còn giữ được thế thượng phong. Trong khoảng thời gian là Thủ tướng được bầu một cách dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan liên tục tìm cách để củng cố vị trí của mình. Tuy nhiên đối với Thổ Nhĩ Kỳ - một đất nước có lịch sử lâu dài với các cuộc đảo chính quân sự và đóng cửa các đảng chính trị vì các hoạt động chống lại dân chủ và chủ nghĩa thế tục, đảng chính trị của ông Erdogan cũng từng đối mặt với mối đe dọa bị đóng cửa bởi Tòa án Hiến pháp nhưng họ đã vượt qua.

Sau khoảng thời gian đó, gần như trong mọi cuộc bầu cử, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan luôn giành quyền lực, bất chấp những lời chỉ trích. Từng bước, các vị trí quan trọng của đất nước vốn được kiểm soát bởi phe đối lập đã được thay thế bởi những người thân cận với Tổng thống Erdogan.

Sau khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong 12 năm, ông Erdogan trở thành Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ Thủ tướng có quyền kiểm soát nhiều hơn Tổng thống, chính vì vậy nhiều người cho rằng ông Erdogan sẽ tìm cách để sửa đổi quy định này. Mục tiêu của ông  Erdogan là giảm bớt quyền hành của Thủ tướng và Tổng thống sẽ là lãnh đạo tối cao của đất nước.

Những nỗ lực để tăng cường sức mạnh và quyền lực chính trị của ông Erdogan được cho là bắt nguồn từ thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước, trong đó có cuộc chiến tại Syria, các mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng và xung đột với đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố. Chính vì vậy, như bất kỳ nhà lãnh đạo độc đoán khác, ông Erdogan cần một mục tiêu mới để gia tăng những người ủng hộ ông và PKK đã trở thành mục tiêu này.

Sự thất bại của cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể là cơ hội tốt để Tổng thống Erdogan siết chặt các biện pháp kiểm soát và củng cố thêm quyền lực của mình. BBC dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag ngày 17/7 cho biết "Chiến dịch dọn dẹp đang tiếp diễn". Cho đến nay đã có 6.000 người đã bị bắt và con số sẽ tăng thêm./.