1. Khashoggi có thực sự cân nhắc trở về Saudi Arabia?

Saudi Arabia thông báo, các nghi phạm liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp ông khi Khashoggi bày tỏ ý định muốn trở về quê hương. Tuy nhiên, vị hôn thê của nhà báo này là Hatice Cengiz, người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhà báo đã đến lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ để lấy giấy tờ làm thủ tục kết hôn.

nha_bao_xofp.jpg
Nhà báo Khashoggi bị sát hại. Ảnh: Reuters.

Nhiều bạn bè của Khashoggi khẳng định, ông đã nói cho họ về việc ông nghi ngờ các nỗ lực của Saudia Arabia nhằm lôi kéo ông trở về. Tờ Bưu điện Washington dẫn lời ông Khaled Saffuri, một nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Arab cho hay: “Anh ấy nói rằng các cậu đang đùa à? Tôi không tin tưởng họ dù chỉ là một chút”.

2. Nếu đó chỉ là một cuộc thảo luận đơn thuần, tại sao lại có ít nhất 15 người tham gia?

Chính phủ Saudi Arabia cho biết, cuộc gặp giữa Jamal Khashoggi và nhóm người Saudi Arabia tại lãnh sự quán ở Istanbul ban đầu chỉ là cuộc thảo luận thông thường, nhưng ngày càng trở nên gay gắt và đã biến thành một cuộc ẩu đả nghiêm trọng. Saudi Arabia thông báo đã bắt giữ tổng cộng 18 người liên quan đến cái chết của Khashoggi, trong khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng có 15 người Saudi Arabia liên quan. Nhóm người này đã đến lãnh sự quán không lâu trước khi nhà báo Jamal Khashoggi mất tích và rời khỏi cơ quan này vài giờ sau đó. Vẫn chưa rõ tại sao lại phải cần nhiều người như vậy chỉ để bàn bạc về mong muốn trở về Saudi Arabia của ông Khashoggi.

3. Tại sao trong nhóm người Saudi Arabia lại có chuyên gia pháp y và các nhân viên an ninh?

Thêm một chi tiết nữa đáng lưu ý, nếu đây là cuộc thảo luận đơn thuần, thì sẽ không cần thiết phải điều động cả các thành viên của lực lượng an ninh Saudi Arabia. Tuy nhiên, tờ Bưu điện Washing cho biết, trong số ít nhất 12 đối tượng của nhóm đã tấn công ông Jamal Khashoggi do giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác định, có một số đối tượng liên kết với các cơ quan an ninh của Saudi Arabia.

Một trong những nghi phạm là chuyên gia pháp y Salah Muhammed al-Tubaigy, nổi tiếng với những cuộc khám nghiệm tử thi nhanh gọn và chính xác. Bruce Riedel, cựu quan chức CIA hiện là chuyên gia tại Viện Brookings chuyên viết sách về quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, nhận định "Ngoài việc che giấu bằng chứng tội ác ra, tôi không thể nghĩ ra lý do nào khác khiến bạn cần một chuyên gia pháp y", Riedel nói. Bên cạnh đó điều đáng ngờ là tuyên bố từ phía Saudi Arabia không giải thích tại sao các nghi phạm lại mang cả cưa xương vào lãnh sự quán, như một số thông tin đưa trước đó.

4. Điều gì thực sự xảy ra ở lãnh sự quán?

Phía Saudi Arabia thông báo đã xảy ra “cãi cọ và ẩu đả" trong lãnh sự quán. Tuy nhiên, vì Khashoggi đi một mình vào lãnh sự quán và gặp tới 15 người, nên ông hoàn toàn bị áp đảo khi bị tấn công.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sở hữu bản ghi âm có thể làm sáng tỏ những gì đã xảy ra. Đoạn ghi âm này có thể cung cấp những manh mối chính như cái chết của nhà báo là cố ý hay ngộ sát, hay ông có bị tra tấn không. Trong đoạn ghi âm xuất hiện giọng nói của Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul Mohammed al-Otaibi: "Hãy làm chuyện này bên ngoài, các anh đang khiến tôi gặp rắc rối đấy". "Nếu ông muốn sống để trở về Arab thì hãy im lặng", một người chưa rõ danh tính nói với Otaibi. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/10 nói rằng họ chưa chia sẻ đoạn ghi âm này với bên ngoài.

5. Điều gì xảy ra với thi thể ông Khashoggi?

Chính phủ Saudi Arabia dù thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán, song không tiết lộ điều gì đã xảy ra với thi thể của ông. Có nhiều đồn đoán cho rằng, các phần thi thể của nhà báo này đã bị đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng đến nay, giới chức Thổ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tìm kiếm ở các khu vực nông thôn gần Istanbul. Một quan chức Saudi Arabia giấu tên nói với Reuters cuối tuần trước rằng thi thể của ông đã được bàn giao cho một người địa phương và hiện không rõ tung tích.

6. Tại sao Saudi Arabia ban đầu nói rằng nhà báo đã rời lãnh sự quán?

Khi không thấy ông Khashoggi trở ra từ lãnh sự quán, bạn gái ông, cô Cengiz đứng đợi bên ngoài, đã báo cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các quan chức Saudi Arabia nhiều lần nói với các phóng viên rằng nhà báo đã rời đi bằng cửa sau ngay sau khi ông đến và họ cũng lo ngại về số phận của ông.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg ngày 5/10,  Thái tử Mohammed bin Salman (thường gọi tắt là MBS) cho biết: "Theo tôi biết thì ông ấy vào trong và rời đi vài phút hoặc một giờ sau đó. Chúng tôi đang điều tra vụ việc thông qua Bộ Ngoại giao để hiểu chính xác điều gì đã xảy ra vào thời điểm đó".

7. Thái tử Mohammed có biết hay không?

Tuyên bố của Saudi Arabia không cho thấy Thái tử Mohammed biết về những gì đã xảy ra với Khashoggi. Thực ra, ngay sau cái chết của nhà báo này, Quốc vương Salman đã chỉ định cho Thái tử dẫn đầu một ủy ban có nhiệm vụ đánh giá và hiện đại hóa các hoạt động tình báo của Saudi Arabia.

Thái tử Mohammed, 33 tuổi ngày càng nắm giữ quyền lực lớn hơn tại Saudi Arabia khi Quốc vương Salman chuẩn bị lui về hậu trường, và nhân vật trẻ tuổi này được coi là người dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa đất nước. Một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Mỹ nói với tờ Bưu điện Washington rằng: “Vụ này không thể xảy ra nếu không có sự chấp thuận của MBS. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ".

Saud al-Qahtani, cố vấn thân cận của Thái tử Mohammed nằm trong số các nhân vật bị sa thải ngày 20/10. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, đối tượng này đã đứng sau nỗ lực lôi kéo Khashoggi trở lại Saudi Arabia. Sau diễn biến mới vừa nêu, dòng tweet đăng tải năm 2017 của ông al-Qahtani đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. "Bạn có nghĩ rằng tôi có thể hành động một mình mà không nhận được sự chỉ đạo hay không? Tôi là một nhân viên và một nhà người đáng tin cậy thực hiện các mệnh lệnh của Quốc vương và Thái tử."

8. Liệu những người bị Saudi Arabia bắt giữ có thực sự là những đối tượng nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định?

Chính phủ Saudi Arabia cho biết 18 người đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những người này có phải là 15 nghi phạm đã được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác định hay không. Thông tin xuất hiện trên kênh tin tức al-Arabiya của Saudi Arabia trước đó nói rằng 15 người này là "du khách” bị cáo buộc sai.

9. Tại sao mất 17 ngày để công bố cái chết của ông Khashoggi?

Hơn 2 tuần trôi qua kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích, phía Saudi Arabia mới thừa nhận rằng ông đã chết. Đây là quãng thời gian quá dài và câu chuyện mà  Saudi Arabia  đưa ra về cái chết của ông Khashoggi không có sức thuyết phục lắm. Thomas Juneau, một chuyên gia về Saudi Arabia tại Đại học Ottawa viết trên Twitter rằng: “vụ việc đã phơi bày sự yếu kém trong năng lực điều hành của Saudi Arabia” và có một ấn tượng chung là “mọi thứ đang chắp vá”./.