Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson là chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đến vùng Vịnh cuối tuần qua. Nhưng nỗ lực trung gian hòa giải của 2 nhà ngoại giao hàng đầu Pháp và Mỹ đều “đổ sông, đổ bể” khi các nước Arab vùng Vịnh tiếp tục “đánh tiếng” về khả năng loại Qatar ra khỏi khối này.

trump_hoi_nghi_thuong_dinh_my_arab_hoi_giao_ogsu.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Arab Hồi giáo hồi tháng 5. (Ảnh: AFP)

Trong một bài phát biểu ngày 17/7, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash cảnh báo Qatar rằng: “Các bạn không thể là một phần của tổ chức khu vực [Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - ND] vốn được lập ra để củng cố an ninh và lợi ích chung trong khi lại đi phá hoại an ninh và lợi ích chung đó.  Các bạn không thể vừa là bạn của chúng tôi, vừa là bạn của al-Qaeda”.

Ngoại trưởng Gargash cũng bác bỏ ý kiến cho rằng “Bộ tứ chống Qatar”, gồm UAE, Saudi Arabia, Ai Cập và Bahrain, đã tính toán sau lầm khi tiến hành chiến dịch tẩy chay Doha suốt 6 tuần qua.

Tuy nhiên, phân tích của Marc Lynch, giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại trường đại học George Washington (Mỹ), trên tờ Washington Post lại chỉ ra điều ngược lại.

Vai trò lãnh đạo của Saudi Arabia và UAE chỉ có giới hạn

Sau lần tiếp đón hàng chục lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab Hồi giáo với sự có mặt của Tổng thống Donald Trump ngày 21/5 tại Riyadh, Saudi Arabia và UAE rõ ràng kỳ vọng một chiến thắng chóng vánh trước Qatar. Nhưng mọi chuyện lại không như vậy.

Saudi Arabia và UAE đã phóng đại triển vọng thành công của mình lên và không đưa ra được một kế hoạch B hợp lý trong trường hợp mọi việc không đi đúng hướng. “Bộ Tứ chống Qatar” dường như đã đánh giá quá cao nỗi sợ của Doha về việc bị cô lập khỏi vùng Vịnh, cũng như khả năng của chính họ trong việc gây hại cho nước láng giềng nhỏ bé này. Thực tế, chiến dịch tẩy chay kinh tế của họ gây hại không đáng kể cho một trong những nước giàu nhất thế giới.

Yêu cầu của 4 nước Arab về việc đóng cửa hãng tin Al Jazeera ở Qatar cũng vấp phải sự lên án rộng rãi toàn cầu vì bị coi là hành động đàn áp tự do báo chí. Trong khi đó, bản thân 4 nước này lại không đưa ra được những chỉ trích hợp lý về hệ thống mà họ cho là phi dân chủ của Qatar.

Với giới quan sát, việc 4 nước Arab không dồn ép được Qatar là khá dễ đoán. Điều đáng nói hơn là Saudi Arabia và UAE không mở rộng được liên minh chống Qatar ra ngoài số lượng 4 nước thành viên cốt lõi. Trong liên minh hiện nay, Bahrain gần như không có chính sách đối ngoại độc lập còn Ai Cập thì vốn coi Qatar như là một phần của cuộc chiến quyền lực trong nước với tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood). Vì thế hai nước này cũng chẳng cần nhiều sự khích lệ để tham gia liên minh chống Qatar.

Ngoài ra, không có nước nào toàn tâm toàn ý ủng hộ chiến dịch tẩy chay Qatar của Saudi Arabia và UAE. Bản thân GCC cũng bị chia rẽ khi Kuwait và Oman tìm kiếm vai trò trung gian trong vấn đề này. Các nước Bắc Phi và thậm chí một nước phụ thuộc nặng nề như Jordan cũng tự bảo vệ mình bằng cách cố giữ được tính trung lập chờ ngày “sóng yên biển lặng”.

Những nỗ lực cô lập Qatar không những không mang lại kết quả như mong muốn mà còn mở ra cánh cửa cho những “tay chơi” khác ở khu vực.

Đáng chú ý nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã cử quân đội đến Qatar để ngăn chặn bất cứ cuộc xâm lăng nào. Đây có thể chỉ là một động thái mang tính biểu tượng bởi khó có thể xảy ra một vụ tấn công công khai, nhưng nó gây ra rạn nứt cho những quy tắc vốn có của an ninh vùng Vịnh.

Iran cũng chớp lấy cơ hội này để cải thiện quan hệ với không chỉ Qatar mà cả Oman và Kuwait.

Cuộc chiến chống “khủng bố” chỉ là chiến tranh gián tiếp giữa các nước

Có thể nói cuộc khủng hoảng Qatar là một trong những hệ quả của các cuộc chiến gián tiếp (proxy wars) đã tàn phá khu vực này từ năm 2011. Trong các cuộc chiến gián tiếp đó, các nước vùng Vịnh (cũng như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) thường ủng hộ các nhóm vũ trang địa phương có tư tưởng và nền tảng khác nhau để tìm kiếm các liên minh hữu ích trên thực địa.

Cụ thể, ngay từ đầu cuộc chiến ở Libya, Qatar và UAE đã rót tiền và vũ khí cho các nhóm vũ trang khác nhau mà họ chọn và điều này hủy hoại nghiêm trọng Libya thời hậu Gaddafi, đồng thời cũng là nguyên nhân chính cản trở việc tái lập một nhà nước Libya hiệu quả.

Tương tự, tranh cãi về việc liệu có bao gồm tổ chức Anh em Hồi giáo trong khái niệm các tổ chức khủng bố hay không cũng bắt nguồn từ các cuộc chiến gián tiếp. Nhiều năm qua, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE đã thúc đẩy việc liệt tổ chức Anh em Hồi giáo vào danh sách các nhóm khủng bố trong khi Qatar và tổ chức Anh em Hồi giáo lại đứng phía bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Sự phân cực đó cuối cùng đã dẫn tới việc UAE và Saudi Arabia hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự ở Ai Cập.

Bằng chứng về việc Qatar rót tiền và hậu thuẫn các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Syria còn rõ rệt hơn. Nhưng các nước vùng Vịnh khác cũng vô trách nhiệm tương tự khi hậu thuẫn các nhóm vũ trang Hồi giáo trong nửa thập kỷ qua. Saudi Arabia cung cấp rất nhiều vũ khí cho phe đối lập Syria trong khu Kuwait nhiều năm qua là trung tâm tài trợ cho phe đối lập Syria ở vùng Vịnh.

Cuộc khủng hoảng Qatar cho thấy rõ rằng, các nước trong khu vực vẫn ra quyết sách chủ yếu dựa trên những quan ngại an ninh nhưng thường tính toán sai lầm hệ quả của chúng.

Khi đó, vai trò của một trung gian hòa giải, một đồng minh lớn của khu vực như Mỹ là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đó cũng là một vấn đề khác của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.

Không ai hiểu nổi chính sách của Mỹ trong cuộc khủng hoảng này

Giới phân tích cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi những thông điệp lẫn lộn về cuộc khủng hoảng này là một vấn đề rất lớn.

Bản thân Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một vài tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Saudi Arabia và khích lệ “Bộ tứ chống Qatar”. Nhưng Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) lại nói rõ rằng nước này không có ý định chuyển căn cứ quân sự khỏi Qatar bất chấp những gợi ý từ UAE.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hiện chỉ tập trung nỗ lực vào việc làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng này và đã có một động thái đáng chú ý là ký với Qatar một thỏa thuận về chống khủng bố tương tự như một trong những yêu cầu chủ chốt mà “Bộ Tứ chống Qatar” đã đưa ra với Doha.

Nhưng rút cuộc, dư luận vẫn không rõ ai mới là người thực sự nói lên tiếng nói của Mỹ trong khi các nước vẫn “mạnh ai nấy làm” trong cuộc đua xây dựng mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Donald Trump./.