Hôm nay (20/1), Anh sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư Anh-châu Phi tại London. Trong bối cảnh còn chưa đầy 2 tuần nữa Anh sẽ chính thức rời khỏi "mái nhà chung" Liên minh châu Âu, nước này đang nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới.

brexit_bbwl.jpg
Anh “ráo riết” tìm kiếm quan hệ thương mại ngoài EU. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Alok Sharma cho biết, tiềm năng kinh tế của châu Phi là rất lớn, khi chiếm 8 trong số 15 nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới và dân số có thể tăng gấp đôi lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050. Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ gặp 16 nhà lãnh đạo trong số 21 quốc gia châu Phi tham gia hội nghị nhằm kêu gọi các mối quan hệ đầu tư sâu sắc hơn với các nước châu Phi.

Theo số liệu của cơ quan xuất khẩu Anh, nước này đã đầu tư 2,6 tỷ USD cho các hoạt động xuất khẩu sang châu Phi của các công ty Anh trong vòng 2 năm qua. Chính phủ Anh hy vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư Anh-châu Phi lần này, các công ty của hai bên sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 6,5 tỷ bảng.

Theo kế hoạch, Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu đúng hạn 31/1/2020. Đây sẽ là điểm khởi đầu cho một giai đoạn chuyển giao mà Vương quốc Anh có thể mở các cuộc đàm phán với EU và các quốc gia khác.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia: “Từ 31/1 tới, những gì Anh định làm đó là bắt đầu hợp tác cùng với các bạn và đối tác trên toàn thế giới, không chỉ với Liên minh châu Âu. Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng các mối quan hệ mới với những người bạn và đối tác trên toàn thế giới. Anh sẽ trở lên lớn mạnh hơn vì chúng tôi sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu. Đây là điều đầu tiên để giúp một quốc gia trở nên thịnh vượng”.

Anh hiện không thể thực hiện thỏa thuận với một quốc gia ngoài EU cho đến khi Anh rời khỏi khối nên nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng sau khi Brexit vào cuối tháng này đó là Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Liên minh châu Âu. EU và Anh cần phải đàm phán lại 600 thỏa thuận quốc tế mà theo thời hạn nhà lãnh đạo Anh đưa ra là cần hoàn tất trong năm 2020.

Tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, Liên minh châu Âu sẵn sàng "làm việc ngày và đêm" để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vào hạn chót cuối năm nay. Với cảnh báo 11 tháng khó có thể hoàn tất thỏa thuận thương mại giữa hai bên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết quyết định có gia hạn đàm phán hay không phụ thuộc vào nước Anh: “Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu đàm phán. Nhìn vào lịch thì hai bên có khoảng 8 tháng vì các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2, sau đó là cần ít nhất 1 hoặc 2 tháng phê chuẩn.Chỉ có Anh mới có thể gia hạn đàm phán. Chúng tôi sẽ đợi đến giữa năm xem hai bên đang ở giai đoạn nào và nước Anh có đưa ra quyết định mới hay không”.

Thủ tướng Anh Boris Johnsonvẫn có thời hạn đến ngày 1/7 tới để yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, song ông cam kết sẽ không trì hoãn thêm tiến trình vốn đã kéo dài dai dẳng này.  Nếu năm 2020 kết thúc mà không có thỏa thuận nào được hoàn tất, Anh sẽ kết thúc mối quan hệ với thị trường chung khổng lồ của EU mà không có thỏa thuận nào cho việc bảo vệ việc làm và thương mại song phương./.