Lời cam kết của bà Ngoại trưởng Mỹ liệu có làm tăng thêm căng thẳng vốn có giữa hai nước láng giềng này và có làm ảnh hưởng quan hệ Nga - Mỹ?

Trong lời phát biểu của mình tại buổi họp báo chung hôm ngày 6/7 với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili nhân chuyến thăm tới nước này, bà Hillary Clinton khẳng định: “Mỹ không thay đổi cam kết của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia”và điều nghiêm trọng là ở chỗ bà còn đồng thời cho biết Mỹ không thừa nhận “phạm vi ảnh hưởng”, ám chỉ tuyên bố của Nga rằng nước này có những lợi ích đặc quyền và ảnh hưởng đặc biệt ở những nước thuộc Liên Xô cũ như Gruzia.

photo.jpg

Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Bà Clinton không giấu diếm rằng bà và Tổng thống Barack Obama cũng đã nhấn mạnh những điểm này với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm chính thức của ông Medvedev tới Washington hồi cuối tháng trước.

Bà Clinton đã nói tại cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi kêu gọi người Nga tuân thủ hiệp định mà họ đã ký”. Và cái mà bà Ngoại trưởng cho biết về sự tuân thủ là bao gồm việc Nga rút quân trở về tình trạng như trước khi xảy ra cuộc chiến chớp nhoáng hồi giữa năm 2008. Hiện Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở hai vùng ly khai của Gruzia, sau khi công nhận quyền độc lập của hai vùng này.

Dẫu có đưa ra phân tích kiểu gì thì những ý kiến này của bà Clinton cũng không tránh khỏi việc “chọc giận” Nga, quốc gia láng giềng rất gần của Gruzia mà cách đây 2 năm đã xảy ra cuộc chiến gây nhiều tranh cãi.

Đúng như dự đoán, ngay sau khi nghe những lời “cam kết” với Gruzia và “chỉ trích” Nga của bà Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin lập tức lên tiếng cảnh báo Gruzia về việc lôi kéo sự ủng hộ của Mỹ. Thủ tướng Putin nói: “Họ (tức Gruzia) không nên tìm kiếm giải pháp bên ngoài. Cần phải tiến hành một cuộc đối thoại mà không cần trích dẫn bên thứ ba”.

Những lời của ông Putin đồng nghĩa với việc Nga sẽ càng không thể chấp nhận giải pháp đối thoại song phương với Gruzia, chừng nào quốc gia này còn “viện” đến sự can thiệp của Mỹ. Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, Nga đã thẳng thừng từ chối việc đối thoại với Gruzia khi người đứng đầu quốc gia này vẫn là Tổng thống Saakashvili.

Thế nhưng, một điều vẫn có thể coi là “làm dịu” lời chỉ trích của bà Ngoại trưởng Mỹ là trong cuộc họp báo đó, khi được mời bình luận về việc Nga vẫn hiện diện quân sự ở các vùng đất ly khai khỏi Gruzia, Ngoại trưởng Clinton cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Gruzia trong việc giải quyết mâu thuẫn với Nga là tập trung vào việc cải thiện nền dân chủ, giải quyết các vấn đề nội tại và phát triển kinh tế. Bà đã nói rằng, “đó sẽ là việc làm mà không ai có thể phê phán được”.

Quan điểm mà bà Clinton không nói thẳng ra có thể được hiểu là Gruzia không nên có bất cứ hành động quân sự nào để Nga có thể lấy đó làm lý do cho việc tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Gruzia.

Gruzia được coi là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du các nước thuộc Liên Xô trước đây của bà Hillary Clinton nhằm trấn an các nước này trước chính sách “tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga” của Tổng thống Barack Obama. Thế nhưng, không cẩn thận thì cái cách mà bà trấn an Gruzia có thể sẽ làm “lợi bất - cập hại” cho không chỉ là quan hệ Mỹ - Nga mà còn căng thẳng thêm quan hệ đang chưa thể hàn gắn Nga – Gruzia./.