Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra hôm qua tại Ankara, ông Yildrim tuyên bố “quốc gia đang chứa chấp giáo sĩ Hồi giáo đối lập Gulen bị cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, không còn là nước đồng minh bạn bè của Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuyên bố này ám chỉ Mỹ sau khi nước này từ chối dẫn độ giáo sĩ Gulen cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra được bằng chứng xác thực.

dao_chinh_olli.jpg
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một chiếc xe quân sự tham gia đảo chính. Ảnh AP

Cùng thời điểm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng lên tiếng cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng đằng sau âm mưu đảo chính của một nhóm quân đội trong nước hôm 15/7. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ sớm dẫn độ ông Gulen về nước.

“Chúng ta cần phải loại trừ được những đối tượng chống đối như ông Gulen. Không thể để những người như ông ta làm tổn hại sự đoàn kết của đất nước. Vào thời điểm này, chúng tôi yêu cầu Mỹ và các nước phương Tây, thông qua luật tư pháp và con đường ngoại giao, giáo sĩ Gulen phải được dẫn độ về nước”, ông Erdogan nói.

Tuy nhiên, phía Mỹ bác bỏ những ám chỉ trước đó rằng Mỹ dính líu vào âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavsoglu ngày 16/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng “những ám chỉ hay tuyên bố hay công khai về bất kỳ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại đều hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương”.

Phản ứng trước lời yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen, ông Kerry cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đưa kẻ gây đảo chính ra trước công lý, nhưng trước khi hành động phải có chứng cứ.

“Tôi không có thông tin và bằng chứng nào tại thời điểm này. Nhưng tôi đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của tôi ba lần trong ngày 17/7 và tôi đề nghị ông ấy đưa ra các bằng chứng mà họ có càng nhanh càng tốt.

Mỹ sẽ ngay lập tức đánh giá những bằng chứng đó là đủ tính hợp pháp để dẫn độ hay không và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thực hiện một yêu cầu dẫn độ chính thức thông qua quá trình tư pháp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa làm điều đó”, ông Kerry nói.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Gulen can thiệp vào chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sĩ Gulen đã sống lưu vong tại Mỹ kể từ năm 1999, sau khi chạy trốn khỏi đất nước vì những cáo buộc về hoạt động Hồi giáo cực đoan.

Giáo sĩ Gulen từng là đồng minh của ông Erdogan cho đến năm 2013, sau một cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Thủ tướng và những người dưới quyền ông được đưa ra.

Ông Erdogan đã điều tra và buộc tội giáo sĩ Gulen “dàn dựng” bê bối, tiến hành “hoạt động bẩn” chống lại sự cai trị của mình. Cũng vào năm 2013, quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng xảy ra nhiều sóng gió liên quan đến việc dẫn độ ông Gulen.

Mỹ đã nhiều lần từ chối dẫn độ ông này về nước với lý do không có những bằng chứng cho thấy ông Gulen liên quan đến các hoạt động chống phá chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giữ thái độ kiềm chế, trong quá trình xử lý đảo chính, hành sự theo pháp luật.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong một hội nghị, ông Obama chỉ ra Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với các thách thức chung bao gồm các hoạt động khủng bố của IS tại Syria. Hiện Mỹ đang dẫn đầu liên quân sử dụng căn cứ Incilik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc tấn công vào các thành trì của IS tại Syria.

Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tấn công đường không của Mỹ đối với IS. Máy bay không kích Mỹ chủ yếu đến từ căn cứ Incirlik Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi xảy ra đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng không phận từ khu vực này đến biên giới Syria. Vì vậy, không quân Mỹ cũng không thể cất cánh từ Incirlik.

Mặc dù các hoạt động của căn cứ quân sự này đã được nối lại từ chiều qua, song không có gì đảm bảo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sử dụng “quân bài Incilik” gây khó cho Mỹ để đổi lấy giáo sĩ Gulen./.