Tờ Inquirer ngày 13/4 dẫn lời Chính phủ Philippines nhấn mạnh, thiệt hại mà Trung Quốc gây ra cho các nước láng giềng do những dải san hô nói trên bị phá hủy có thể lên tới khoảng 100 triệu USD/năm.
Con số này được Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra kèm theo những thông tin chi tiết về những tác động xấu đến môi trường gây ra từ những công trình mà Trung Quốc xây dựng trên các bãi đá mà họ đã tiến hành cải tạo trên Biển Đông.
Theo đó, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng “một Vạn lý trường thành bằng cát” trên bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
“Những hành động cải tạo rầm rộ trên các bãi đá ở Biển Đông đã gây ra những tác động cực kỳ nguy hại đến sự đa dạng sinh thái và cân bằng sinh học trên Biển Đông”, ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Philippines cũng đã lên tiếng bác bỏ những lời giải thích của Trung Quốc rằng nước này không hề gây ra những thiệt hại nào về hệ sinh thái trên Biển Đông.
Trước đó, ngày 10/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về hành động cải tạo các bãi đá trên Biển Đông và nói rằng nước này đã từng tiến hành “các nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào việc cải tạo các bãi đá trên Biển Đông”.
Ông Charles Jose nhấn mạnh: “Việc cải tạo các bãi đá của Trung Quốc đã hủy hoại tới 1,4km2 hệ thống dải san hô trên Biển Đông và gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 100 triệu USD/năm cho các nước láng giềng”.
Ông Jose cũng tố cáo những hành động cải tạo các bãi đá của Trung Quốc là hoàn toàn đơn phương và “không đếm xỉa gì đến đời sống của người dân các nước láng giềng vốn đã kiếm sống nhờ vùng biển này qua nhiều thế hệ”.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng lên án việc Trung Quốc “quá dung dưỡng người dân nước này khi thực hiện những hành vi đánh bắt cá trái phép làm tổn hại đến môi trường” tại Bajo de Masinloc, một dải san hô lớn nằm ở phía Tây đảo Luzon của Philippines.
Theo ông Jose, hành động này của Trung Quốc vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Công ước về Đa dạng Sinh học và Công ước về cấm buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhằm bảo vệ những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu (CITES).
Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ quan ngại về tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh rằng, hành động cải tạo bãi đá có thể giúp “cung cấp nhiều dịch vụ dân sự cho các nước và đáp ứng các mục tiêu về quốc phòng của Trung Quốc”.
“Tuyên bố trên của phía Trung Quốc càng cho thấy nhiều khả năng nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông và đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Jose nói thêm.
Khi được hỏi liệu Bộ Ngoại giao Philippines có đưa thêm những thông tin về tác động xấu đến môi trường do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông trong công hàm gửi đến phía Trung Quốc cũng như trong tài liệu đệ trình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế hay không, ông Jose khẳng định sẽ cân nhắc việc này.
“Chúng tôi đang xem xét khả năng này, đặc biệt là trong phiên tranh luận tại Tòa án Trọng tài Quốc tế”, ông Jose nói thêm.
“Chúng tôi đang theo đuổi đồng thời cả biện pháp ngoại giao và pháp lý. Philippines đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên của ASEAN trong việc sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và việc thực thi Tuyên bố ASEAN- Trung Quốc 2002 về Cách hành xử của các bên trên Biển Đông”, ông Jose khẳng định.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng viện dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án Trung Quốc đang lợi dụng vị thế của mình để o ép các quốc gia láng giềng.
“Chúng ta đừng để Trung Quốc phân tán chúng ta khỏi những vấn đề đang tồn tại trên Biển Đông, trong đó bao gồm yêu sách về đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc cũng như những hành động đơn phương và hiếu chiến của nước này nhằm áp đặt tuyên bố đường 9 đoạn của họ. Điều này được Trung Quốc thể hiện rõ rệt nhất trong quá trình cải tạo rầm rộ các bãi đá trên Biển Đông”, ông Jose tuyên bố./.