Theo Reuters, thông tin trên được người phát ngôn Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir tuyên bố ngày 13/4. 

tau_chien_gyyu.jpgBinh sĩ Mỹ trên tàu USS Benfold DDG65 tại cảng Benoa, Bali (Ảnh Antaranews)

Dù không phải là nước tham gia tranh chấp trên Biển Đông, giới chức quân sự Indonesia đã cáo buộc Trung Quốc gộp cả đảo Natuna vào các vùng lãnh hải nằm trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc- một ranh giới mơ hồ mà nước này vạch ra trên bản đồ hòng áp đặt chủ quyền lên gần 90% khu vực Biển Đông. 

Trước đó, ngày 10/4, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo bãi đá trên Biển Đông. Không chỉ có vậy, vào cuối tuần qua, Mỹ cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Indonesia tại đảo Batam, cách quần đảo Natuna 300km. 

“Đây là cuộc tập trận thứ 2 mà chúng tôi tiến hành với phía Mỹ tại khu vực này và chúng tôi đang lên kế hoạch để tiến hành một cuộc tập trận chung tương tự vào năm tới. Chúng tôi muốn các cuộc tập trận này trở thành hoạt động thường niên”, ông Simorangkir nói. 

Cuộc tập trận này không được tổ chức tại quần đảo Natuna do cơ sở vật chất tại đây không đáp ứng được yêu cầu của cuộc tập trận. 

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indoneisia Ryamizard Ryacudu cho biết, ông sẽ đến quần đảo Natuna vào tháng 5 tới nhằm thống nhất kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo gồm 157 đảo nhỏ hầu hết chưa có người sinh sống nằm ở phía Tây Bắc Borneo. 

“Chúng tôi đã có sân bay tại Natuna nhưng không điều nhiều binh sĩ tại đây mà chỉ có một vài lính thủy đánh bộ. Chúng tôi sẽ đưa thêm binh sĩ thuộc lực lượng Bộ binh, Hải quân và Không quân đến đây”, ông Ryacudu nói thêm. 

Các quan chức Indonesia cũng lên tiếng cho rằng, cuộc tập trận chung với Mỹ cũng như việc nâng cấp căn cứ quân sự tại Natuna không phải là để đáp lại bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào. 

“Cần phải nhớ rằng, Indonesia sẽ không tham gia vào bất kỳ một cuộc tranh chấp nào trên Biển Đông”, người phát ngôn Simorangkir nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn xảy ra những vụ việc đáng tiếc tại đây và cam kết theo đuổi những chính sách ngoại giao mà chúng tôi đã tiến hành”. 

Tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng lên tiếng cho rằng, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hầu hết đều không có cơ sở pháp lý và Jakarta muốn là “nhà trung gian đáng tin cậy”, để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực./.