Trên đường tới New York (Mỹ), Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/9 nhấn mạnh, Anh rất tự hào về mối quan hệ với Pháp; khẳng định mối quan hệ tốt đẹp này là không thay đổi. Theo Thủ tướng Johnson, Anh và Pháp đang phối hợp triển khai những hoạt động quân sự chung ở Mali và các quốc gia Baltic, cũng như hợp tác trong chương trình thử nghiệm hạt nhân mô phỏng.
Tuyên bố của Thủ tướng Anh nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Pháp sau khi nước này và Mỹ ký hợp đồng sản xuất tàu ngầm với Australia khiến Paris mất đi hợp đồng đã ký với Australia trước đó vào năm 2016. Hai nguồn tin từ Pháp hôm qua cho biết, Pháp đã hủy cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly với người đồng cấp Anh Ben Wallace, vốn được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này.
Theo người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal, đang có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng chiến lược giữa các quốc gia đồng minh, chứ không đơn thuần là một cuộc khủng hoảng về mặt thương mại.
“Chúng ta không thể có một liên minh nếu không có sự tin tưởng. Pháp là một quốc gia có trách nhiệm. Mỹ và Australia là những đối tác quan trọng. Chúng ta phải giải quyết vấn đề ngay bây giờ.Tôi nghĩ vấn đề trước tiên nằm ở những quốc gia không tôn trọng lời họ đã đưa ra, những quốc gia từ bỏ mục tiêu tự chủ chiến lược và đi theo sau các quốc gia khác”, ông Attal nhấn mạnh
Giống như Anh, Mỹ cũng đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Pháp sau khi “nẫng tay trên” thỏa thuận quân sự giá trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong vài ngày tới. Trước đó, phía Mỹ đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định triệu hồi Đại sứ của Pháp, đồng thời khẳng định vẫn luôn đặt những lợi ích cao nhất trong mối quan hệ với Pháp. Mỹ cũng hi vọng giới chức cấp cao hai bên sẽ có các cuộc thảo luận chi tiết về những khác biệt trong những ngày tới, bao gồm cả những cuộc gặp bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bộ Ngoại giao Australia cũng khẳng định luôn coi trong mối quan hệ với Pháp, mong muốn được tiếp tục hợp tác với Pháp trong những vấn đề khác, dựa trên những giá trị lợi ích chung. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này Scott Morrison vẫn khẳng định, ông không “hối tiếc” về quyết định hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, vì đó là lợi ích quốc gia.
“Tôi hiểu sự thất vọng của Pháp, nhưng Australia như các quốc gia có chủ quyền phải luôn đưa ra các quyết định vì lợi ích quốc gia. Tôi không bao giờ hối hận về quyết định đã đặt lợi ích quốc gia của Australia lên hàng đầu”, Thủ tướng Morrison nói.
Hiện chưa rõ Mỹ - Anh - Australia có hạ nhiệt được căng thẳng với Pháp trong những ngày tới hay không. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng như vậy, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin, Pháp đã hủy cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với người đồng cấp Thụy Sĩ vì lý do Thụy Sĩ quyết định mua máy bay chiến đấu F35 của Mỹ thay vì mua dòng máy bay Rafael của Pháp. Đi kèm thông tin trên, giới phân tích cho rằng Pháp đang gặp vấn đề trong cạnh tranh vũ khí quân sự.
Văn phòng Tổng thống Pháp ngay lập tức bác bỏ, cho biết cuộc gặp chưa bao giờ bị hủy bỏ, càng không phải vì lý do truyền thông Thụy Sĩ nêu. Hiện lịch trình cuộc gặp này vẫn chưa hoàn tất và thời gian cuộc gặp chưa được ấn định./.