Tổng thống Biden cho biết ông đã không đưa ra “những lời đe dọa” trong cuộc gặp kéo dài 3 tiếng đồng hồ này, đồng thời nói rằng ông đã nhắc đến những lợi ích quan trọng của Mỹ, trong đó có cả vấn đề an ninh mạng và nhắc nhở Tổng thống Putin rằng Mỹ sẽ đáp trả nếu Nga xâm phạm những quyền lợi đó của Mỹ.
Ông Biden cũng hỏi ông Putin rằng ông sẽ cảm thấy thế nào nếu xảy ra một cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào hệ thống đường ông dẫn dầu của Nga. Câu hỏi này đã gợi nhắc lại vụ tấn công mạng nhằm vào đường ống dẫn của Mỹ vào tháng 5 vừa qua, gây gián đoạn nguồn cung tại Bờ Đông nước Mỹ.
Cả hai nhà lãnh đạo đều sử dụng những ngôn từ tích cực một cách thận trọng để mô tả cuộc hội đàm tại Geneva. Tổng thống Putin cho rằng cuộc đối thoại mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch, còn Tổng thống Mỹ khẳng định không gì có thể thay thế được các cuộc thảo luận trực tiếp. Hai bên cũng đồng ý đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau sau lệnh triệu hồi vào đầu năm nay.
Tuy vậy, hai bên đã thể hiện sự khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. Tổng thống Biden nói rằng, Nga sẽ gánh chịu “hậu quả tàn khốc” nếu lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang bị bắt giữ bị chết hoặc các cuộc tấn công mạng tại Mỹ tiếp tục xảy ra. Mỹ đã yêu cầu Moscow ngăn chặn các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền mà Washington cho là do tin tặc Nga gây ra.
Về phần mình, Tổng thống Putin đã bác bỏ mối lo ngại của Washington về vụ bắt ông Alexei Navalny; về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine; và cáo buộc của Mỹ cho rằng người Nga phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ tấn công mạng tại Mỹ.
Tổng thống Putin gọi người đồng cấp Mỹ Joe Biden là một đối tác có kinh nghiệm, có tính xây dựng, và nói rằng cả 2 "có cùng tiếng nói". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thay vì tình hữu nghị, đó là một cuộc đối thoại "thực dụng về lợi ích của hai nước".
Tuy vậy, theo Reuters, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cho biết họ sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định hạt nhân, và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với hiệp ước hạn chế vũ khí New START vừa được gia hạn gần đây của 2 nước cùng các vấn đề kiểm soát vũ khí khác. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, thật “khó nói” liệu quan hệ hai bên có được cải thiện hay không, nhưng có một “tia hy vọng” về sự tin tưởng lẫn nhau./.