Những biện pháp trừng phạt mà Nga dùng để đáp trả phương Tây sẽ được kéo dài thêm một năm, bắt đầu từ ngày 24/6. Với những diễn biến trên, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu  tiếp tục căng thẳng hơn. 

Biện pháp trả đũa của Nga là lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông phẩm, thực phẩm từ các nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Putin đã tung ra đòn đáp trả sau khi Liên minh Châu Âu (EU) ra quyết định chính thức kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm thời hạn 6 tháng. 

tong_thong_nga_putin_ddwb_vwjo.jpg
Tổng thống Nga Putin (Ảnh AP)

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Chính phủ đã gửi một bức thư cho tôi đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đang dùng để trả đũa những hành động của các đối tác của chúng tôi. Theo bức thư này, tôi đã ký một sắc lệnh kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm đảm bảo sự an toàn cho Liên bang Nga, đồng thời yêu cầu chính phủ chuẩn bị và công bố sắc lệnh nói trên trong thời gian sớm nhất có thể”.

Trong sắc lệnh ngày 24/6, Tổng thống Putin không đề cập đến việc nương nhẹ với các nước Châu Âu đang phản đối chính sách trừng phạt Nga. Tuy nhiên, trước đó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) bà Valentina Matviyenko khi đề ra các biện pháp trả đũa nhằm vào Liên minh châu Âu cho biết, Moscow nên tính đến lập trường của các nước đang có mối quan hệ kinh tế và chính trị tốt đẹp với Nga như Hungary, Hy Lạp và Cộng hòa Síp .

Hôm 22/6, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu chính thức thông qua quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa, tức là đến tháng 1/2016. Những đòn trừng phạt mà Liên minh châu Âu tung ra là nhằm vào các ngành kinh tế then chốt nhất của Nga gồm ngân hàng, dầu mỏ và quốc phòng. Liên minh châu Âu tiếp tục cảnh báo sẽ tung thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Moscow không chịu tuân theo các cam kết đưa ra trong thỏa thuận Minsk.

Động thái “ăn miếng trả miếng” nói trên giữa Nga và Liên minh châu Âu  khiến cuộc chiến trừng phạt giữa hai bên thêm nóng bỏng và đương nhiên là sẽ có thêm những tổn thương, mất mát xảy ra với cả hai bên.

Ông Alexei Maslov -Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á thuộc trường Cao học Kinh tế của Nga cho biết: “Cả hai bên đều áp đặt các lệnh trừng phạt nhưng không may, các lệnh trừng phạt này gây tác hại đối với cả hai bên, có nghĩa là không bên nào giành phần thắng. Ví dụ Nga bị thiếu nhiều hàng hóa và công nghệ có xuất xứ từ châu Âu”.

Có thể thấy, nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng trước những khó khăn khách quan cũng như do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng “gậy ông đập lưng ông” từ chính những biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng lên Nga cũng như bị ảnh hưởng từ đòn trả đũa của Nga. 

Đây là điều đã được dự báo từ trước bởi Nga vốn là đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của châu Âu. Ngấm đòn đau từ chính sách trừng phạt Nga, nội bộ Châu Âu bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều nước Liên minh châu Âu đã công khai lên tiếng kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga./.