Ngày 9/6, báo chí Thái Lan tập trung đưa tin và bình luận về các chủ trương và hoạt động của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia (NCPO) cũng như dư luận xã hội Thái Lan về việc triển khai lộ trình khôi phục ổn định cải cách của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sau đảo chính.

quan-doi-thai.jpg
Quân đội Thái Lan được triển khai để bảo vệ an ninh ở Bangkok (Ảnh: Getty)

Theo đánh giá của một số chuyên gia chính trị Thái Lan, trong quãng thời gian hơn 2 tuần sau đảo chính quân sự, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã làm được một số việc quan trọng mà các phe phái chính trị ở Thái Lan phải bó tay trong hơn 6 tháng đấu tranh quyết liệt.

Theo đó, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã tạm thời ngăn chặn được tình trạng rối loạn về chính trị và an ninh trật tự. Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã có những biện pháp kinh tế - xã hội cấp bách bao gồm: khẩn trương trả nợ thu mua thóc gạo cho nông dân; không cho tăng giá hơn 200 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; xúc tiến việc giải ngân khoản ngân sách năm 2014 còn tồn đọng và dự trù ngân sách năm 2015; xem xét  thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn đem lại lợi ích thiết thực cho Thái Lan.

Đặc biệt, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã bắt đầu triển khai đồng bộ trên quy mô toàn quốc biện pháp hòa giải, khôi phục đoàn kết dân tộc, giảm bớt sự chia rẽ xã hội và mâu thuẫn chính trị với khẩu hiệu "trả lại hạnh phúc cho nhân dân".

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng đã công bố lộ trình 15 tháng nhằm khôi phục ổn định tình hình và tiến hành cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực để tiến tới cuộc tổng tuyển cử theo chế độ dân chủ hoàn chỉnh. Những biện pháp nêu trên của ban lãnh đạo đảo chính đã nhận được phản ứng khá tích cực của dư luận xã hội; khôi phục một phần lòng tin của giới kinh doanh trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đa số dư luận xã hội của Thái Lan và cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại việc Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, tiếp tục áp dụng thiết quân luật, đồng thời vẫn duy trì lệnh giới nghiêm ở hầu hết các tỉnh, thành ở Thái Lan. Dư luận lo ngại những hạn chế, áp đặt này kéo dài, kèm theo những giải pháp cải cách thiếu dân chủ, công bằng sẽ làm gia tăng sự phản đối của các phe phái và các tầng lớp xã hội ở Thái Lan, có thể gây bất lợi cho tiến trình cải cách của ban lãnh đạo đảo chính.

Trong cuộc thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Dusit của Thái Lan vừa được công bố ngày 8/6, có nhiều vấn đề đã được người dân Thái Lan mong muốn Đại tướng Prayuth, người đứng đầu ban lãnh đạo đảo chính cần phải trả lời cho rõ ràng.

Theo đó, 89,34% số người được hỏi muốn biết phải mất bao lâu nữa thì Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia mới có thể ổn định được tình hình và bãi bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Có 85,59% số người dân Thái Lan muốn biết sẽ có bầu cử hay không và bầu cử diễn ra vào thời điểm nào. Và có 82,95% số ý kiến muốn biết ban lãnh đạo đảo chính sẽ tiến hành cải cách đất nước theo phương hướng nào và các biện pháp giải quyết những mâu thuẫn chính trị hiện nay ra sao...

Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan coi đây là những đòi hỏi chính đáng của người dân nước này; đồng thời họ cho rằng, muốn đạt được những mục tiêu cải cách hợp lòng dân và được sự chấp nhận của tất cả các phe phái, ban lãnh đạo đảo chính phải thực sự công tâm, minh bạch và hành động thực sự vì lợi ích của đất nước và nhân dân Thái Lan./.