Để chuẩn bị cho hoạt động triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân dân, hôm nay (15/11), Nhật Bản chính thức bắt đầu phân phối vaccine cho các địa phương trên toàn quốc, đồng thời chuẩn bị kịch bản đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 6 nếu xảy ra.

Đối tượng tiêm vaccine mũi tăng cường là những người đã tiêm vaccine mũi 2 được 8 tháng. Đầu tháng 12 sẽ tiêm cho đội ngũ liên quan đến y tế như bác sĩ, y tá, hộ lý… đầu tháng 1 sẽ tiêm cho người cao tuổi. Nhật Bản chỉ dùng vaccine Pfizer cho đợt tiêm chủng lần này.

Trước việc tại một số nước trên thế giới đang cho phép tiêm mũi bổ sung là vaccine Moderna cho những người từng tiêm vaccine Pfizer, Bộ  Y tế và Lao động Nhật Bản đang thẩm định tính an toàn và hiệu quả của việc trộn vaccine khi tiêm mũi tăng cường và có dự kiến sẽ quyết định dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi bổ sung cho những trường hợp mà 2 mũi trước đã tiêm vaccine Moderna. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xem xét khoảng thời gian áp dụng tiêm mũi 3 giảm từ 8 tháng xuống còn 6 tháng đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Bởi lẽ hiện đã có một số nước trong đó có Hàn Quốc chỉ quy định đối với những ai đã tiêm đủ 2 mũi được 6 tháng sẽ là đối tượng tiêm mũi bổ sung.

Theo số liệu thống kê, ngày hôm qua (14/11), Nhật Bản chỉ ghi nhận 134 ca nhiễm Covid-19 mới, số ca tử vong giảm gần như bằng không, nhiều địa phương như tỉnh Gunma trong nhiều tháng qua không có ca nhiễm mới nào. Hơn 78% dân số đã tiêm mũi 1, hơn 75% dân số đã tiêm mũi 2. Mặc dù vậy, để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 6 có thể xảy ra, Nhật Bản hôm nay cũng đã thông qua kịch bản đối phó với đợt lây nhiễm mới nếu xảy ra.

Theo kịch bản, Nhật Bản sẽ tăng cường thêm 30% giường bệnh, tức là năng lực có thể tiếp nhận gần 37.000 ca nhiễm nhập viện cùng lúc. Theo Bộ Y tế và Lao động, trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 tại Nhật Bản vừa qua, thời điểm cao nhất có khoảng hơn 26.000 người nhập viện, nhưng có khoảng hơn 1.100 người không thể nhập viện vì thiếu giường bệnh, có cả trường hợp sản phụ tử vong do không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tăng cường việc khám, theo dõi bệnh qua điện thoại, online, tăng thêm cơ sở lưu trú như khách sạn cho những bệnh nhân nhẹ…

Như vậy, cùng với việc thúc đẩy tiêm vaccine, Nhật Bản cũng đã chuẩn bị những kịch bản để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể tái bùng phát, chuẩn bị đầy đủ năng lực cho hệ thống y tế, giảm tỷ lệ tử vong, khôi phục sinh hoạt bình thường trở lại cho người dân và phát triển kinh tế.

Cũng ngày hôm nay (15/11), Hàn Quốc bắt đầu tiến hành tiêm vaccine mũi bổ sung cho người dân. Đối tượng tiêm mũi bổ sung là người nhóm 50 tuổi đã hoàn tất tiêm chủng được 6 tháng. Người dân chỉ cần đến trung tâm y tế ủy thác để tiêm bằng vaccine của hãng dược Pfizer hoặc Moderna.

Đối tượng thuộc nhóm tuổi 50 đã tiêm theo kế hoạch tiêm chủng mở rộng của Chính phủ từ ngày 26/7 vừa qua, không thuộc đối tượng tiêm mũi bổ sung lần này.

Người từ 18 - 49 tuổi có bệnh lý nền và đối tượng ưu tiêm tiêm chủng thuộc một số ngành nghề đặc thù đã hoàn tất tiêm phòng sau 6 tháng cũng có thể tiêm mũi bổ sung từ ngày 15/11.

Nhóm nghề ưu tiên tiêm chủng bao gồm nhân lực thiết yếu trong xã hội như nhân viên phòng dịch tuyến đầu, cảnh sát, lực lượng phòng cháy chữa cháy, quân đội; nhân lực y tế và chăm sóc như nhân sự trường đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, nhân viên y tế trong trường học và trường mẫu giáo, đội ngũ cấp cứu, nhân viên nhà thuốc.

Người dân cũng có thể tiêm bằng vaccine còn dư trong ngày mà không cần đặt lịch trước. 

Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vừa qua đã công bố trên trang chủ cho biết hai sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 là thuốc "Regkirona Inj. 960mg" của công ty dược phẩm sinh học Celltrion (Hàn Quốc) và thuốc Ronapreve của hãng dược Regeneron (Mỹ) đã được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép chính thức bày bán tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Như vậy, Regkirona đã trở thành thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất được EU cấp phép.

Trước đó, Ủy ban tư vấn sử dụng dược phẩm thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị phê chuẩn hai sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 này. Đây là hai loại thuốc điều trị bằng kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được khuyến nghị phê duyệt của EMA.

Dự kiến, các nước châu Âu sẽ sử dụng hai loại thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, Ủy ban tư vấn sử dụng dược phẩm khuyến cáo đưa thuốc Regkirona vào điều trị cho bệnh nhân trên 18 tuổi, chưa cần hỗ trợ thở bằng máy nhưng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.

Thuốc Ronapreve được khuyên dùng cho bệnh nhân là thanh thiếu niên trên 12 tuổi, cân nặng trên 40kg và người trưởng thành, có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Ủy ban tư vấn sử dụng dược phẩm cũng cho biết có thể sử dụng thuốc này cho người trên 12 tuổi để phòng tránh trước lây nhiễm Covid-19.

Trước đó, vào đầu tháng 10, hai công ty dược phẩm đã nộp đơn xin cấp phép lưu hành (MAA) cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu./.