Hôm nay (11/3) – tròn 2 năm thảm họa động đất, sóng thần và sự cố phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân, tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản. Sau trận động đất, hàng ngàn người dân Việt Nam đã lặng lẽ đến thắp hương tưởng niệm những nạn nhân xấu số ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Nhân dịp 2 năm kỷ nhiệm thảm họa này, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội đã giới thiệu với người nhân Việt Nam cuốn phim tài liệu “Nhật Bản một lòng”.

Xem cuốn phim tài liệu này, chúng tôi chứng kiến lại cảnh, sân bay Sendai dập dềnh như chậu nước khổng lồ, cuốn trôi biết bao nhà cửa, ôtô, máy bay, tàu thuyền... Trong phút chốc, mảnh đất Phù Tang đã chìm trong màu tang tóc.

5%20song%20than%20nhat%20ban%202a.jpg
Ofutano, tỉnh Iwate, vào ngày 14/3/2011 và ngày 18/2/2013. (ảnh: AFP)

Thắp sáng niềm tin hy vọng Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động từ vùng thiên tai khiến cả thế giới tràn đầy kinh ngạc và xúc động. Trong đống gạch đổ nát, tiếng khóc oe oe yếu ớt ẩn trong thân xác người mẹ trẻ đã lạnh cứng áp ngực che chở cho đứa con mới 3 tháng tuổi. Rồi cụ già mái tóc bạc phơ quyết không rời ngôi nhà nằm trong vòng bán kính nhiễm xạ nặng vẫn đau đáu tia hy vọng rằng: “Một ngày nào đó vợ ông sẽ sống sót trở về”. Người đàn ông quên cả tính mạng để cứu 2 mẹ con không quen biết đang bị cuốn theo dòng nước lũ… và còn biết bao nhiêu câu chuyện khác nữa.

Thước phim mở đầu là hình ảnh “Di sản thế giới Chusonji” - ngôi chùa còn sót lại sau trận động đất kinh hoàng. Ngôi chùa này đã tồn tại 1.161 năm nhưng sau thảm họa nó vẫn hiên ngang đứng đó như một thiên đường vĩnh cửu. Ánh sáng từ trong chùa đã thắp sáng niềm tin hy vọng cho những nạn nhân vùng thảm họa.

Từ trong đống đổ nát hiện ra một cây thông cao vút sống sót thần kỳ sau trận sóng thần tại thị trấn Rikuzen-Takata, tỉnh Iwate. Cây thông trở thành biểu tượng ngôi sao hy vọng của người dân địa phương.

Gương mặt từ bi của Đức Phật cũng lấm vết bùn sau cơn giận dữ của biển cả song vẫn rạng ngời ánh hào quang... Hình ảnh nối tiếp hình ảnh. Sự sống diệu kỳ đang bắt đầu nảy mầm trở lại.

Ký ức đau xót về thảm họa thiên nhiên đã không làm cho người dân vùng Đông Bắc, Nhật Bản gục ngã. Hơn 125 triệu trái tim mảnh đất Phù Tang kết thành một khối đồng lòng đứng lên xây dựng lại quê hương. Cả thế giới cùng chia sẻ với Nhật Bản, đã có hàng vạn tình nguyện viên đến từ các nước đến đây để thu dọn rác, giúp đỡ các gia đình nạn nhân... Tại vùng thiên tai, vào thời điểm đó không còn khoảng cách biên giới hay ngôn ngữ.

Mối ân tình gắn kết chặt chẽNhật Bảnvới Việt Nam và thế giới

“Di sản thế giới Chusonji” - ngôi chùa còn sót lại sau trận động đất kinh hoàng

Mấy tháng sau thảm họa động đất sóng thần, một tấm biển lớn in bằng 2 thứ tiếng: Việt Nam và Nhật Bản với nội dung “Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho các nạn nhân thiên tai Nhật Bản” được dựng bên cánh cổng Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Trong thông điệp 1 năm sau thảm họa, Đại sứ Tanizaki Yasuaki xúc động bày tỏ: “Đối với người Nhật, đây là một thảm kịch đau lòng và thật khó khăn để vượt qua, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Nhật Bản cảm nhận được “mối ân tình” gắn kết chặt chẽ chúng tôi với Việt Nam và thế giới. Ngay sau thảm họa, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những lời thăm hỏi, động viên, những bức tranh, bức ảnh, bức thư... gửi tới người dân Nhật thông qua Đại sứ quán, số tiền ủng hộ quá lớn khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và đặc biệt là những chuyến thăm vùng bị thiên tai của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Bằng những hành động thiết thực đó, các tầng lớp người Việt Nam từ cấp lãnh đạo đến người già, trẻ em... từ Hà Nội, TP HCM đến các tỉnh, thành trong cả nước đã gửi tới người dân Nhật một thông điệp sẻ chia mạnh mẽ.

Quả thực “gian nan mới biết bạn hiền” - nhân dân Nhật Bản hết sức cảm kích trước tình cảm của nhân dân Việt Nam. Một lần nữa, cho tôi được gửi tới các bạn lời cảm ơn chân thành nhất!”. Trong số 346,6 tỷ yên tiền ủng hộ từ trong và ngoài nước Nhật, 80% đã được chuyển tới vùng Đông Bắc. Số tiền viện trợ đó được dành cho các chương trình hỗ trợ tái thiết về y tế, giáo dục, hỗ trợ người dân sống trong các trung tâm sơ tán, khu nhà tạm.

Với tinh thần tương thân tương ái, một miếng khi đói bằng 1 gói khi no, chia sẻ lúc khó khăn là truyền thống của người dân Việt Nam, hơn 3.000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã chia sẻ 1 ngày lương/người để ủng hộ nạn nhân động đất sóng thần.

Nhật Bản sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp hơn

Một năm sau thảm họa, 3 chiến hạm nổi tiếng của Nhật Bản cập cảng Hải Phòng, thăm hữu nghị Việt Nam. Tôi may mắn được đặt chân lên cả 3 chiến hạm đó, vinh dự được gặp Đại tá Mizukami Tomo - Tư lệnh Đội tàu hộ vệ số 15 và được nghe câu chuyện cảm động về 91 chiến sĩ cảm tử của Lực lượng Tự vệ biển thuộc chiến hạm Asayuki đã chở chiếc trực thăng đổ nước xuống hạ nhiệt lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Một sĩ quan trên chiến hạm Asayuki đã đưa tôi đi thăm boong tàu đặt chiếc máy bay trực thăng lịch sử cứu sinh mạng Nhà máy điện Fukushima. Tất cả đều lặng đi xúc động khi thấy ngay cạnh chiếc trực thăng đặt trang trọng bức ảnh 91 chiến sĩ đứng nghiêm trang xếp thành hình trái tim một lòng hiến dâng cho Tổ quốc.

3 chiến hạm nổi tiếng của Nhật Bản cập cảng Hải Phòng

Không gian biển cả bao la, cơn gió đầu tháng 3 còn se sắt lạnh. Tôi cùng các chiến sĩ Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản bước lên boong tàu, trang nghiêm hướng về phía trước. Bình minh lên, rồi hoàng hôn buông xuống. Lá cờ in hình mặt trời tỏa sáng được nâng niu trang trọng trên tay một chiến sĩ, từ từ được kéo lên, rồi từ từ được hạ xuống trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Sống trong môi trường làm việc khắc nghiệt, cùng ăn cơm hộp với các chiến sĩ sống dài ngày trên biển, tôi mới hiểu giá trị cao quý của sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.

11/3 - tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó. Trong tim tôi khắc sâu câu nói của Tiến sĩ Mori Mamoru, Giám đốc Bảo tàng Khoa học Tương lai quốc gia: “Ngày 11/3 một lần nữa nhắc nhở Nhật Bản về sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên và ảnh hưởng sâu rộng của nó trên toàn cầu. Tương lai của Nhật Bản, trái đất hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay con người. Nhật Bản chúng tôi sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp hơn!”.

Quả đúng như vậy. Những hình ảnh cuối bộ phim cho tôi thấy lại nét ngời sáng trên gương mặt người dân thành phố Sendai, sức sống tràn trề của vùng Đông Bắc Nhật Bản. Tháng 7/2011, chỉ 4 tháng sau thảm họa, tại đây đã diễn ra Tohoku Rokkonsai - Lễ hội mùa hè chung của 6 tỉnh vùng Đông Bắc, đồng thời cũng là lễ hội cầu nguyện sự hồi phục sau thiên tai.

Từ Việt Nam xa xôi, tôi chiêm ngưỡng hình ảnh Nhật Bản đang gồng mình đứng dậy như chàng võ sĩ Samurai đầy uy phong - một tay gác kiếm, một tay nắm nhành hoa. Đi suốt chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm (từ thời Heian), tinh thần võ sĩ đạo vẫn rực sáng trong dòng máu mỗi người dân nước này. Trái tim người võ sĩ Nhật Bản luôn tồn tại 2 dòng máu: 1 dòng máu được tôi luyện tinh thần thép quên mình xả thân vì sự nghiệp Tổ quốc và 1 dòng máu êm đềm, lãng mạn, đầy chất thơ.../.