Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho ngày 10/4 tới thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga. Diễn ra giữa lúc bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến những bước chuyển ngoạn mục, chuyến thăm được xem là nỗ lực tiếp theo của chính quyền Triều Tiên (sau chuyến thăm Trung Quốc mới đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un), nhằm đảm bảo sự ủng hộ của các đồng minh chính, trước khi diễn ra các cuộc gặp cấp cao quan trọng sắp tới với Hàn Quốc và Mỹ.
Chuyến thăm Nga của người đứng đầu ngành ngoại giao Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều được cho là đang ngày càng ấm hơn kể từ sau Thế vận hội mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc hồi tháng 2 vừa qua - sự kiện mở đầu cho một loạt hoạt động ngoại giao tích cực, vượt xa mọi dự đoán của cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia chỉ vài tháng trước đó, khi mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang trong “cuộc chiến ngôn từ” gay gắt.
Sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc hồi cuối tháng 3 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 tới tại khu vực phi quân sự ở biên giới hai miền.
Tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh này có thể sẽ là một cuộc gặp vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù những thể thức của một cuộc gặp lịch sử như thế vẫn đang trong quá trình bàn thảo, song thông báo về cuộc gặp có thể nói đã chấm dứt những căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa hai bên.
Ông Alexandre Vorontsov thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng đối với Triều Tiên là nhận được sự ủng hộ của Nga và củng cố những nền tảng trong mối quan hệ hai nước. Bởi lẽ, dù Nga tới nay vẫn duy trì các mối quan hệ làm việc bình thường với Triều Tiên ngay cả trong những thời điểm khó khăn, thì việc nhận được sự đảm bảo của Nga trước khi diễn ra 2 Hội nghị cấp cao lịch sử sắp tới, vẫn là rất thiết yếu.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, nước này ủng hộ những bước đi của chính quyền Triều Tiên nhằm đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau hơn, bình thường hóa các mối quan hệ cũng như thúc đẩy đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Trong những năm qua, cũng có nhiều quan chức cấp cao hoặc phái viên Triều Tiên thăm Nga, song ông Ri Yong Ho lại là quan chức cấp cao nhất. Còn chuyến thăm gần đây nhất của một quan chức Triều Tiên tới Nga là vào tháng 9 năm ngoái để tiến hành các cuộc tham vấn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ leo thang lên đến đỉnh điểm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng từng có kế hoạch thăm Nga hồi tháng 5/2015 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hủy chỉ vài ngày trước sự kiện diễn ra.
Chi tiết đáng quan tâm là chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm bất ngờ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011.
Nhận định về những diễn biến tích cực này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng: “Cần có các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tôi cảm thấy rất khích lệ trước thông báo về các hội nghị cấp cao sắp tới và tôi tin rằng trong một thế giới, mà nhiều vấn đề chưa tìm được lời giải như hiện nay, thì những diễn biến tích cực này là một cơ hội cho một giải pháp hòa bình khi mà cách đây chỉ vài tháng, chúng ta vẫn còn bị ám ảnh bởi những mối nguy cơ”.
Là những nước tham gia tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song không giống như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, hai nước Nga và Trung Quốc lại được xem là những đồng minh chính của Triều Tiên, là những đối tác thương mại hàng đầu của nước này, giữa lúc các lệnh trừng phạt quốc tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Triều Tiên.
Thời gian qua, Nga và Trung Quốc cũng rất tích cực nhằm hóa giải bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, với rất nhiều đề xuất hữu ích được đưa ra như đề xuất “tạm dừng đổi lấy tạm dừng” hay “một cơ chế hòa bình song song”.
Theo các đề xuất, Triều Tiên sẽ ngừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân của mình để đối lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận quy mô lớn hàng năm nhằm giảm căng thẳng, cũng như tạo ra đột phá cho những nỗ lực khôi phục đàm phán 6 bên.
Trên cơ sở đó, một cơ chế hòa bình song song sẽ được thiết lập nhằm thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa và cuối cùng là đạt được sự ổn định, hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên và khu vực./.
Triển vọng Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều ngày càng rõ nét